Thu hút nguồn lực để phát triển văn hóa: Khó hay dễ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là 3 yếu tố then chốt có mối quan hệ biện chứng, thúc đẩy sự phát triển, vận hành nền văn hóa quốc gia.
Con người luôn là nguồn lực trung tâm để phát triển, vận hành nền văn hóa quốc gia. (Ảnh minh họa)
Con người luôn là nguồn lực trung tâm để phát triển, vận hành nền văn hóa quốc gia. (Ảnh minh họa)

Trong 3 yếu tố đó, có thể nói con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất, tạo ra cơ chế, chính sách, là chủ thể quyết định việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa.

Đường rộng mở, vì sao nhân tài ngó lơ?

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao thành tích cao của TP HCM, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định về “Kế hoạch thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP HCM năm 2021”. Kế hoạch đặt chỉ tiêu thu hút người có tài năng đặc biệt ở 6 vị trí. Trong đó, 2 vị trí ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là 1 chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và 1 chỉ huy dàn dựng nhạc kịch; 4 vị trí ở lĩnh vực thể dục, thể thao gồm 3 vị trí huấn luyện viên tài năng (các môn chạy ngắn, nhảy xa - nhảy 3 bước, ném - đẩy) và 1 vị trí vận động viên tài năng (môn điền kinh).

Cùng thời điểm Quyết định về “Quy trình thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao tại TP HCM giai đoạn 2020 - 2022” cũng được ban hành dành cho Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, các thành viên Hội đồng thu hút, tuyển chọn nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao. Tiêu chuẩn người có tài năng đặc biệt là những người có đủ năng lực, sức khỏe và tinh thần phù hợp yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao; có khả năng lao động sáng tạo rất cao; đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội và rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được công nhận.

Sau một thời gian thực hiện, mới đây công tác thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP HCM đã bước đầu được nhìn nhận, đánh giá. Theo đó mới chỉ thu hút được… một hồ sơ của lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc.

Trao đổi với truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết: “Từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu triển khai, đăng thông báo đầu tiên để thu hút tài năng đặc biệt theo Nghị quyết của HĐND thành phố và có lẽ vì nó quá đặc biệt, nên chỉ thu hút được… một hồ sơ của lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc. Đó là Nhạc trưởng Lê Phi Phi, một Việt kiều đang sống tại Mỹ, rất nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, vì lúc đó dịch bệnh phức tạp (năm 2020 - 2021), nên quy trình thu hút ông Lê Phi Phi vẫn chưa thể thực hiện, đến năm 2022 ban hành lại kế hoạch để tiếp tục triển khai”.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, hiện cơ quan này có 8 đơn vị sự nghiệp công lập, đó là 8 nhà hát trên nhiều lĩnh vực: nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật truyền thống, cải lương, hát bội, xiếc, rối, kịch nói và âm nhạc; ngoài ra, còn có Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật và các hội chuyên ngành. Lĩnh vực thể thao cũng tương tự với 8 đơn vị sự nghiệp công và các liên đoàn, các hội… Như vậy có thể thấy TP HCM rất thuận lợi trong việc thu hút cũng như là môi trường thuận lợi về điều kiện làm việc cho các tài năng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vì văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao là các lĩnh vực chuyên môn khá đặc thù nên việc thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như rào cản ở khái niệm khi công nhận người nào đó là tài năng đặc biệt, bởi quan điểm khó chấp nhận những thứ khác biệt do đã quen với những giá trị mang tính chất ổn định, xuôi chiều, né tránh những gai góc, phản biện… có thể làm thui chột khả năng sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến của những nhân tài. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính với việc bảo đảm chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt bị giới hạn cũng khiến cho việc thu hút và giữ chân người tài là cực kỳ khó khăn; thiếu môi trường làm việc chuyên nghiệp để họ có điều kiện phát huy khả năng đang là vấn đề vô cùng bất cập…

Các ngành công nghiệp văn hóa đang gặp khó khăn do thể chế chưa theo kịp thực tiễn. (Ảnh minh họa)

Các ngành công nghiệp văn hóa đang gặp khó khăn do thể chế chưa theo kịp thực tiễn. (Ảnh minh họa)

Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để thu hút nhân lực

Cũng cần biết rằng đây không chỉ là câu chuyện của riêng TP HCM. Con số đưa ra tại Hội thảo Văn hóa 2022 tổ chức tháng 12/2022 cho thấy về nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật, tính đến 30/6/2021 tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao: 10.199 người; lĩnh vực du lịch: 870.000 người, trong đó 18.907 người phục vụ ở cả 3 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch… Một con số cho thấy phần nào sự thiếu hụt về đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Theo PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mặc dù những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định, nhưng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết: về chuyên môn, một số bộ phận nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022, PGS.TS. Đinh Công Tuấn đã đưa ra kiến nghị để phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật. Theo đó, về giải pháp thể chế, thứ nhất cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật.

Thứ hai, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Thứ ba, cần xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật… Thứ tư, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Xây dựng thể chế về văn hóa trên nền tư duy mới, phù hợp xu thế thời đại

Được biết, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình có khoảng 160 văn bản quy phạm pháp luật, gồm nhiều loại khác nhau từ luật, pháp lệnh đến thông tư. Số lượng văn bản lớn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo, làm giảm tính minh bạch, khiến các quy định pháp luật trở nên phức tạp, khó áp dụng. Một số lĩnh vực chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...), thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...) ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang gặp khó khăn do thể chế chưa theo kịp thực tiễn. Do đó, điều quan trọng là phải mang tư duy mới, phù hợp xu thế thời đại trong việc xây dựng thể chế là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Phát biểu về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Xu thế chung trên thế giới là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm. Chúng ta vẫn thông qua các quy định có từ trước để từ đó văn nghệ sĩ có thể sáng tạo, biết được mình có thể làm gì hay không được làm gì. Từ đó, họ có được những sản phẩm phù hợp. Cơ chế hậu kiểm giúp chúng ta tăng trách nhiệm của nghệ sĩ với sản phẩm của mình”. Đồng tình với ý kiến của PGS, TS Bùi Hoài Sơn, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ không bị giới hạn bởi những quy định pháp luật. Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể, khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm công việc sáng tạo. Trong xây dựng công nghiệp văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng”.

Đọc thêm