Thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đề xuất hoàn thiện chính sách pháp lý.
Với việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã giúp VNA nâng cao giá trị thương hiệu cũng như mở rộng hoạt động.
Với việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã giúp VNA nâng cao giá trị thương hiệu cũng như mở rộng hoạt động.

Tận dụng các ưu thế của nhà đầu tư nước ngoài

Mục tiêu của Đề án khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp (DN) nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) là đại diện chủ sở hữu đã được khẳng định rõ ngay trong tên của đề án.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án làm rõ quan điểm việc tạo thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút và tận dụng được các ưu thế của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia mua phần vốn nhà nước tại một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) do CMSC là đại diện chủ sở hữu nhà nước và phần vốn góp của các TĐ, TCT này tại các DN khi cổ phần hóa (CPH) hoặc thoái vốn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước; sử dụng đúng quy định, tiết kiệm, phát huy tốt nhất hiệu quả các nguồn lực đã giao cho DN quản lý; ưu tiên lựa chọn NĐTNN mua cổ phần tại các DN với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn theo quy định pháp luật và tiêu chí của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Dự thảo cũng nói rõ, quá trình lựa chọn NĐTNN phải căn cứ vào việc đánh giá lợi ích tổng quát của việc bán vốn mang lại, xét trên sự cân bằng, hài hòa giữa lợi ích trước mắt (tối đa hóa khoản tiền thu về cho ngân sách nhà nước) và lợi ích lâu dài (cam kết của nhà đầu tư về phát triển DN, thương hiệu, công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp lâu dài cho ngân sách nhà nước,…) mang lại cho cả phía Nhà nước và phía DN.

Đồng thời bảo vệ, gìn giữ và phát huy thương hiệu của DN, thương hiệu dịch vụ, sản phẩm của DN; duy trì ngành nghề kinh doanh chính của DN; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình bán vốn; mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường vốn; quảng bá, nâng cao vai trò, vị thế của các DN Việt Nam trên trường quốc tế…

Lộ trình hoàn thiện chính sách pháp lý

Từ thực tế bán vốn cho NĐTNN, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do CMSC soạn thảo nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là hoàn thiện các chính sách pháp lý nhằm thu hút, khuyến khích NĐTNN tham gia với vai trò là nhà đầu tư chiến lược mua phần vốn nhà nước tại các TĐ, TCT do CMSC là đại diện chủ sở hữu và phần vốn góp của các TĐ, TCT này tại các DN khác. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (NĐTCLNN) tham gia điều hành DN góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, sẽ xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật riêng cho hoạt động bán phần vốn nhà nước cho NĐTNN là nhà đầu tư chiến lược (Quy trình lựa chọn NĐTCLNN mua phần vốn nhà nước tại các DN nhà nước, DN có vốn góp của DNNN; danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hạn chế tiếp cận; danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép tiếp cận, điều kiện tiếp cận, tỷ lệ cho phép nắm giữ vốn điều lệ đối với các DN trong ngành, nghề, lĩnh vực với NĐTCLNN; các chính sách ưu đãi, điều kiện ràng buộc đối với NĐTCLNN mua phần vốn nhà nước tại các DN).

Trên cơ sở danh mục DN thực hiện CPH, thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021-2025, CMSC xem xét, lựa chọn trên cơ sở đề xuất của DN để triển khai bán cổ phần cho NĐTCLNN đối với các DN thuộc phạm vi quản lý.

Giai đoạn 2026 – 2030, sẽ xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Danh mục các DN CPH, bán vốn cho các NĐTNN với vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong từng thời kỳ (danh mục DN, thời hạn bán vốn, tỷ lệ nắm giữ, các điều kiện chính đối với NĐTNN là nhà đầu tư chiến lược); thực hiện việc CPH, bán vốn theo Danh mục được phê duyệt và các quy định pháp luật.

Trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, CMSC cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh việc bán cổ phần cho NĐTCLNN; quy định cụ thể và công khai tỷ lệ sở hữu đối với NĐTNN; xây dựng danh mục tổng hợp đầy đủ tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với từng ngành, nghề kinh doanh; đẩy nhanh triển khai việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; xử lý một số vướng mắc kỹ thuật khi thực hiện CPH, thoái vốn; cơ chế ưu đãi…

Nhiều doanh nghiệp chuyển mình

Theo CMSC, trong số 7 TĐ, TCT do CMSC thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, 2 DN là TCT Hàng không Việt Nam (VNA) và TĐ Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài; còn lại 2 DN là có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước (Vinafor, Vinafood2) (CTCP TĐ T&T); 3 DN không có sự tham gia của cổ đông chiến lược (VIMC, ACV và VRG).

Ngoài ra, một số công ty con của các TĐ, TCT cũng bán vốn cho NĐTNN thành công, như: SCIC thoái vốn tại Vinamilk, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh; Vinachem thoái vốn tại Công ty TNHH 2TV Phân bón Việt Nhật, CTCP Pin Hà Nội…

Theo CMSC, hiệu quả khi có sự tham gia của NĐTNN tại các TĐ, TCT thuộc CMSC đã tăng lên rõ rệt. Như Petrolimex đã trở thành DN đại chúng quy mô lớn thuộc Top VN30; cơ cấu cổ đông hiện tại có hơn 100 quỹ, tổ chức nước ngoài; vốn hóa thuộc nhóm các công ty lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Với VNA, việc lựa chọn được NĐTCLNN là ANA giúpVNA nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu của VNA cũng như mở rộng các cơ hội tốt hơn khi tiếp cận nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Việc VNA trở thành cổ đông chiến lược đã góp phần cải thiện tình hình tài chính của VNA, nhưng những lợi ích hai bên nhận được từ hợp tác chiến lược đóng vai trò quan trọng và lâu dài.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DNNN dù có tiềm lực lớn, được NĐTNN săn đón và thậm chí thương vụ thương thảo tưởng như đã có thể đi đến hồi kết, nhưng sau đó lại thất bại như thương vụ mua cổ phần của TCT Đường sắt Việt Nam (VNR); Hay trường hợp EVN thoái vốn tại EVNGENCO3.

Cả 3 “nhà” cùng lợi

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC, việc thu hút sự tham gia của NĐTNN trong việc mua phần vốn tại DNNN có thể đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho nhiều bên liên quan, bao gồm cả nhà nước, DN, các cổ đông khác.

Đối với Nhà nước sẽ tăng tính cạnh tranh giúp nâng cao hiệu quả thoái vốn, gia tăng giá trị thu về cho Nhà nước; quảng bá các chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam trong khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong việc mở cửa thị trường, tăng cường tính cạnh tranh tự do của nền kinh tế...

Đối với DNNN: Giúp tăng cường công tác giám sát, công khai, minh bạch các thông tin; công tác quản trị DN theo thông lệ quốc tế; đóng góp những kinh nghiệm quản trị hiện đại và nguồn thông tin quốc tế phong phú; tạo cơ hội cho các DN cải tiến, nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Đối với các cổ đông khác của DN: Sự tham gia của NĐTCLNN vào DN làm thay đổi cơ cấu sở hữu của các cổ đông, đa dạng hóa thành phần cổ đông, từ đó sẽ đóng góp những quan điểm từ một góc nhìn mới, cách tiếp cận mới với từng cổ đông, hướng tới mục tiêu là gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trị DN, đồng thời là lợi ích của các cổ đông.

Đọc thêm