Tái chế từ đồ nội thất...
“Vintage” là phong cách trang trí cổ điển, toát lên sự mộc mạc, bình dị lạ thường cho sản phẩm. Vài năm trở lại đây, phong cách Vintage lên ngôi, kéo theo những sản phẩm liên quan khá được ưa chuộng. Người ta không còn thích những chiếc lọ cắm hoa bằng pha lê thủy tinh đắt tiền nữa mà đôi khi chiếc gáo dừa được trang trí bằng những đoạn dây thừng lại mang đến sự thu hút. Đó là lý do các sản phẩm tái chế như giấy, bút, lọ hoa, sổ, vở, nội thất... đang đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp mỗi năm.
Xu hướng sử dụng đồ tái chế được nhìn thấy rõ nhất ở các quán cafe, quán bar dành cho giới trẻ hiện nay. Với giới trẻ, những khu mua sắm vui chơi liên hợp như Zone 9, The yard, Ha Noi Creative city... không còn là cái tên xa lạ nữa. Tại đây, người ta có thể bắt gặp 90% quán xá sử dụng đồ tái chế, từ chiếc bàn uống nước bằng cửa gỗ bỏ đi, lọ hoa làm từ vỏ lon, đèn làm từ xô chậu cho đến giấy ăn, cốc nước, bát đĩa đều là đồ tái chế.
Sử dụng toàn bộ đồ tái chế để làm thành một quán cafe, cửa hàng quần áo, nhà ở mới nghe tưởng rất khó làm và đem lại cảm giác luộm thuộm. Nhưng thực tế, những chiếc vỏ xe, hàng rào, chậu cây cũ nếu biết cách tái chế sẽ thành những vật trang trí rẻ và độc đáo. Những quán cafe không gian nội thất được thiết kế với những vật dụng cũ giá rẻ này đặc biệt thu hút khách hàng trẻ vì thông điệp bảo vệ môi trường mà quán mang đến.
Minh Thành (chủ một quán cafe ở Ngọc Hà) chia sẻ: “Đồ tái chế được ưa thích như vậy vì nó khiến người sử dụng cảm nhận một chút hoài cổ, một chút tinh tế thông qua các thiết kế được làm theo một phong cách ấn tượng. Một “bí kíp” dành cho những ai đam mê đồ tái chế là nên mua vật liệu từ những người thu mua ve chai dạo, giá sẽ rẻ bất ngờ. Bạn cũng có thể nhắn những người thu gom ve chai, hẹn khi nào có hàng chai lọ thì họ mang đến, không cần mất công đi lùng”.
Còn với Chu Tuấn Tùng (sinh năm 1990, Hà Nội), sản phẩm tái chế đem lại cho chàng trai này một thu nhập ổn định. Cách đây không lâu, Tùng đã mạnh dạn mở một xưởng chuyên làm đồ nội thất theo xu hướng hoài cổ. Giá cả khi bán ra thị trường của những món đồ này thường không cố định. Có món giá chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng có những món giá lên tới hàng chục triệu đồng. Giá trị phụ thuộc chính vào độ sáng tạo và tỉ mỉ của người thợ, còn nguyên liệu làm ra sản phẩm chỉ chiếm 20 – 30% giá thành sản phẩm. Xu hướng mở quán cafe mộc mạc khiến nhiều khách hàng tìm đến xưởng của Tùng. Hiện nay Tùng có thể có một khoản thu nhập khủng, dao động từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi tháng.
...Cho đến giấy ăn, sách vở, sổ lưu niệm
Sản phẩm tái chế không chỉ dừng ở ứng dụng nội thất. Ngày nay, lượn qua một vòng các đại lý in ấn hoặc cửa hàng, siêu thị, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều túi giấy, hộp giấy, sách vở là sản phẩm tái chế. Xuất hiện trong số đó đa phần là loại giấy kraft, giấy tổ ong, nhận đạng đặc trưng của loại giấy này là màu nâu vàng hoặc màu trắng (đã được tẩy trắng) được thiết kế đồ họa bắt mắt.
Chia sẻ về điều này, chủ một cửa hàng in ấn trên đường Nguyễn Quý Anh cho biết: “Sở dĩ người tiêu dùng sử dụng nhiều loại giấy này vì chi phí rẻ. Nếu chi phí in ấn các loại giấy như couche hay nghệ thuật tương đối cao vì dày, bề mặt nhẵn, ăn mực, nhiều màu sắc thì giấy kraft chi phí thấp hơn. Vì đây là loại giấy tái chế, nghĩa là đã qua sử dụng, thường thô, có 2 mặt màu vàng sẫm nhưng nó vẫn có thể sản xuất thành những chiếc túi giấy hữu ích”. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng mặt hàng này cũng muốn tạo ấn tượng với khách hàng khi họ coi trọng việc bảo vệ môi trường. Chuỗi cà phê Star Bucks là một điển hình trong việc sử dụng toàn bộ túi giấy đựng bánh, giấy ăn trong quán bằng giấy tái chế.
Hay như các phiên chợ Flea Market, Vintage... cũng không bao giờ thiếu dấu ấn của các gian hàng bày bán đồ tái chế handmade. Minh Nguyệt (chủ cửa hàng lưu niệm ở Khương Thượng) cho hay: “Mỗi lần có hội chợ, mình phải mất chi phí thuê gian hàng là 1 - 2 triệu tùy vào mặt bằng. Nhưng mình vẫn thường xuyên liên lạc với ban tổ chức để đăng ký 1 gian. Chỉ cần bày bán sổ lưu niệm, vở viết thôi mình đã có doanh thu không nhỏ, đương nhiên là không bao giờ lỗ. Chưa kể sau đó các khách hàng còn biết đến cửa hàng của mình”.
Lý giải nguyên nhân kinh doanh mặt hàng này, Nguyệt chia sẻ: “Kinh doanh đồ tái chế có nghĩa là mình đang góp phần bảo vệ môi trường. Để sản xuất ra 1 tấn bột giấy (giấy thành phẩm), chỉ cần 1,4 tấn giấy phế liệu hoặc 2,2 - 4,4 tấn gỗ. Như vậy, với cùng 1 tấn bột giấy, nếu tái sử dụng giấy phế liệu sẽ giúp tiết kiệm 24 cây rừng tự nhiên. Sử dụng càng nhiều giấy phế liệu để tái chế với công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường là điều mà quốc gia nào cũng đang hướng đến.
Hiện tại nhiều người trong quá trình tái tạo đồ sử dụng thêm nhiều vật liệu trang trí đắt tiền nên sản phẩm ra đời bị đội giá khá cao, phần nào làm mất đi thông điệp gần gũi, dễ sử dụng của các sản phẩm tái chế. Mình nghĩ điều đó là không nên, ngoài lợi nhuận, mình muốn hướng khách hàng sử dụng đồ tái chế vì mục đích bảo vệ môi trường. So với nhiều cửa hàng, sản phẩm mình bán ra có giá ngang bằng hoặc nhỉnh hơn chút, nhưng mặt hàng khá xinh, bắt mắt nên mình vẫn cạnh tranh được. Nguyên liệu nhập giá rẻ, sản phẩm có tính độc đáo nên giá nào vẫn bán được, như vậy mình lãi nhiều hơn đồ văn phòng phẩm thông thường. Vừa có thu nhập ổn định từ đam mê vừa đóng góp thiết thực cho môi trường, mình càng ngày càng yêu thích công việc này”.
Được biết, “giấy tái chế” là giấy sản xuất từ giấy thải loại (đã qua sử dụng như báo, tạp chí đã đọc xong, bao bì giấy, hòm hộp), khác với “giấy nguyên thủy” là giấy sản xuất từ gỗ hoặc các xơ sợi xenlulô khác. Giấy có thể tái chế tới 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên lợi ích về kinh tế, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường rất to lớn (thậm chí lớn hơn nhiều so với lợi ích kinh tế thuần túy). Hiện nay, giá thành của loại giấy chỉ còn bằng 50-60% so với trước đây (từ 3000 - 4000 đồng/túi) là sản phẩm đang được nhiều thương hiệu lựa chọn để tạo ấn tượng với khách hàng./.