Như PLVN đã thông tin, công nghệ ETC nếu ứng dụng rộng rãi trên hệ thống đường cao tốc và quốc lộ (QL) của Việt Nam mỗi năm sẽ làm lợi cho nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi khảo sát công nghệ và đánh giá mô hình thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ làm việc với nhà đầu tư các Dự án đường bộ BOT để thống nhất phương án đối với từng hợp đồng trước khi triển khai ETC...
PLVN trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về vấn đề này:
Thưa ông, quy trình lập dự án, kêu gọi đầu tư Dự án ETC đã và sẽ được Bộ GTVT triển khai như thế nào?
- Hiện nay, trạm thu phí các Dự án BOT trên các QL chủ yếu áp dụng công nghệ thu phí một dừng. Công nghệ này có một số tồn tại như: phương tiện khi qua trạm phải dừng để thực hiện thao tác trả phí dẫn đến tắc nghẽn giao thông, đặc biệt đối với các tuyến đường có lưu lượng xe lớn. Hơn nữa, nó chưa thể kiểm soát chặt chẽ, minh bạch doanh thu thu phí và chưa tích hợp được thông tin về đăng kiểm, kiểm soát tốc độ, tải trọng xe...
Ngoài ra, trình trạng xe quá tải hiện đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến hư hỏng mặt đường, làm tăng chi phí sửa chữa, bảo trì.
Vì thế, Bộ GTVT đã nghiên cứu các công nghệ thu phí và cân xe tự động để áp dụng cho các QL và đã cho thực hiện thí điểm tại 3 trạm trên QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14). Bộ GTVT đã báo cáo kết quả và được Thủ tướng đồng ý chủ trương giao Bộ GTVT thực hiện đầu tư Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc.
Giai đoạn 1 sẽ áp dụng đối với QL1A và QL14 theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của Cty CP TASCO về dự án này. Theo đó, Bộ thẩm định phê duyệt và thực hiện công bố công khai danh mục, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, các trạm thu phí đã có trong các Hợp đồng BOT nên Bộ cũng sẽ làm việc với các nhà đầu tư trên nguyên tắc không để chồng chéo, lãng phí.
- Đến thời điểm này, một số Dự án mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành, các dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2015 và sẽ tổ chức thu phí ngay. Để sớm đưa Dự án ETC kết hợp kiểm soát tải trọng xe vào hoạt động, đáp ứng kịp thời việc thu phí của các nhà đầu tư, Bộ đã khẩn trương thực hiện thí điểm tại 3 trạm thu phí nhằm hoàn thiện chuyển giao công nghệ, rút kinh nghiệm, vận hành thử và ban hành mẫu trạm thu phí chung cho các dự án.
Bộ GTVT lựa chọn các đơn vị áp dụng thí điểm dựa trên cơ sở tiến độ của các Dự án BOT (đã hoàn thành đưa vào sử dụng) và năng lực các đơn vị thực hiện thí điểm.
Cụ thể, Liên danh Cienco 4 - TCty 319 (nhà đầu tư Dự án BOT QL1A Nghi Sơn - Cầu Giát), TASCO (nhà đầu tư Dự án BOT QL1A đoạn km 597+549 - km 605+000 và km 617+000 - km 641+000), Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương (nhà đầu tư Dự án BOT QL14 đoạn km 734+600 - km 765+00) đều là các đơn vị có năng lực.
Triển khai ETC là sẽ có bên thứ ba tham gia vào quá trình thu phí hoàn vốn các dự án đường bộ. Việc này có ảnh hưởng tới quyền thụ hưởng doanh thu của các nhà đầu tư Dự án đường bộ BOT không, thưa ông?
- Nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện Dự án ETC sẽ cung cấp dịch vụ thu phí cho các nhà đầu tư đường bộ BOT, nói cách khác là “thu phí hộ”, và chúng tôi cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới quyền thu phí và quyền thụ hưởng doanh thu của các nhà đầu tư BOT trên các tuyến đường.
Trong quá trình triển khai dự án này, Bộ GTVT sẽ làm việc với các bên liên quan để có sự đồng thuận giữa các bên (nhà đầu tư BOT, nhà đầu tư Dự án ETC, ngân hàng tài trợ vốn) về chủ trương ứng dụng ETC cũng như cách thức thực hiện.
Cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư Dự án ETC theo hình thức BOO và nhà đầu tư dự án đường bộ theo hình thức BOT sẽ như thế nào?
- Hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa thể xác định chính xác cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư. Nhưng có thể hiểu sơ bộ thế này, nhà đầu tư Dự án ETC theo hình thức BOO thu hồi vốn đầu tư bằng một phần chi phí tổ chức thu phí đã được xác định trong Hợp đồng của các nhà đầu tư BOT.
Nó được xác định cụ thể trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, đảm bảo khả năng hoàn vốn và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư BOT muốn TASCO đẩy nhanh tiến độ
Ông Hoàng Đình Kỳ, đại diện Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương (nhà đầu tư Dự án BOT QL14) - một trong 3 dự án được Bộ GTVT chọn thí điểm áp dụng công nghệ ETC trong năm nay cho hay, đơn vị này đã phối hợp với TASCO xây dựng trạm thu phí tự động theo mô hình trạm mẫu mà Bộ GTVT đã duyệt để vận hành theo lộ trình ấn định trong năm nay. Tại Đắk Gằn (Đắk Mil, Đắk Nông), trạm này được bố trí một làn thu phí tự động không dừng và một làn thu phí hỗn hợp trên một chiều của QL14.
Trao đổi với PLVN, ông Phùng Quang Tuyên, Phó Giám đốc Cty TNHH 2 thành viên BOT QL1A Cienco4 - TCty 319, đơn vị điều hành trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết thêm: “Chúng tôi đã xây dựng giá long môn và lắp đặt xong thiết bị theo đúng quy chuẩn và sẵn sàng ứng dụng ETC, vì xác định đây là loại hình công nghệ có nhiều tiện ích. Chúng tôi muốn TASCO đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, và trước mắt nên sớm có cuộc gặp gỡ, trao đổi cụ thể với các nhà đầu tư để thống nhất cơ chế vận hành”.