Thu phí không dừng: Chủ đầu tư các Dự án BOT đường bộ nói gì?

(PLO) - Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện Đề án thu phí không dừng trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) vừa được tổ chức cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường “chốt” cuối năm nay các trạm thu phí trên hai tuyến này phải có ít nhất một làn thu phí không dừng.
Trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An) trên quốc 1A - một trong 3 địa điểm được lựa chọn áp dụng công nghệ thu phí không dừng
Rút ngắn thời gian chọn nhà đầu tư 
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhiều lần khẳng định mô hình trạm thu phí không dừng (ETC) ứng dụng công nghệ RFID sẽ mang lại nhiều tiện ích do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, nhân lực... cho cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chủ đầu tư các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hạ tầng và người tham gia giao thông... 
Vì thế đã quyết định cho thí điểm 3 trạm thu phí tại quốc lộ (QL) 1A và QL14. Đặc biệt, mới đây tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện đề án này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Cuối năm 2015, tất cả các trạm thu phí trên QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải có ít nhất một làn ETC mỗi hướng”.
Theo nguồn tin của PLVN, Bộ GTVT hiện đã có văn bản đồng ý để một Liên danh lập dự án triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng kết hợp với kiểm soát tải trọng xe trên hai tuyến đường nói trên. 
Theo đó, Liên danh đăng ký tham gia dự án này cam kết nếu được giao triển khai, vào cuối mỗi ngày, doanh thu từ thu phí của các trạm phí trên các QL sẽ được đối soát và chuyển về tài khoản của các nhà đầu tư BOT tương ứng thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng một cách chính xác, minh bạch. 
Đại diện liên danh này còn khẳng định, bất kỳ thời điểm nào, các nhà đầu tư dự án BOT hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể kiểm soát được thông tin dữ liệu liên quan đến vấn đề thu phí qua mạng internet.
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, tại cuộc họp diễn ra hôm 5/6, Thứ trưởng Trường đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến trạm ETC kết hợp kiểm soát tải trọng xe mẫu để chính thức triển khai diện rộng trên toàn quốc; đồng thời nhanh chóng nghiên cứu rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Cụ thể, việc đầu tư các trạm phí sẽ được chia thành hai phần: phần hạ tầng trạm, thiết bị trên làn một dừng, nhà điều hành trạm sẽ do các nhà đầu tư BOT đường bộ thực hiện; phần hệ thống ETC, Trung tâm dữ liệu sẽ do đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án thu phí tự động cung cấp, lắp đặt thiết bị và chuyển giao công nghệ.
Phá vỡ điều khoản ký với ngân hàng 
Thống kê trên toàn tuyến QL14 (đoạn Kon Tum - Bình Phước) hiện có 5 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, còn QL1A (đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ) đang có 18 dự án BOT trị giá hơn 53 ngàn tỷ đồng do các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, với sự tài trợ vốn của một số ngân hàng thương mại. Do vậy, tới đây Bộ GTVT sẽ phải tổ chức họp với  các nhà đầu tư BOT đang thực hiện dự án trên tuyến và các tổng công ty liên quan (VEC, Cửu Long, Vidifi) về việc triển khai công nghệ nói trên.
Liên quan vấn đề này, PLVN cũng đã trao đổi với một số nhà đầu tư về chủ trương triển khai Dự án thu phí không dừng mà Bộ này đang đốc thúc triển khai. Phần lớn phản hồi nhận được đến thời điểm này vẫn là sự băn khoăn và mù mờ thông tin về cơ chế thực hiện. 
“Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo trao đổi chi tiết với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT về vấn việc này. Vì trong Hợp đồng tín dụng ký giữa doanh nghiệp với ngân hàng tài trợ vốn cho dự án của chúng tôi có điều khoản “17h00 hàng ngày, chủ đầu tư phải chuyển trả tiền thu phí được trong ngày về tài khoản của ngân hàng”. 
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương thức mà Bộ đang thí điểm thì tiền phí sẽ được chuyển trả cho ngân hàng thông qua một đơn vị khác. Đây là vấn đề mà chúng tôi chưa rõ sẽ được giải quyết, kiểm soát như thế nào?” - ông Trần Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trùng Phương (đại diện chủ đầu tư Dự án BOT QL1A đoạn qua Thừa Thiên Huế) nói.
Như PLVN đã nói, đối với dự án này, không chỉ các chủ đầu tư mà bản thân các nhà tài trợ vốn cho hàng chục Dự án BOT trên các QL cũng đang hết sức băn khoăn vì sự can dự của bên thứ ba vào hoạt động thu phí hoàn vốn - công việc trước đây vốn thuộc quyền quyết định của hai bên (chủ đầu tư dự án và ngân hàng tài trợ).
Làm rõ thêm vấn đề này, mới đây chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một trạm phí đường tránh trên QL1A thì được biết mức thu mỗi ngày của trạm này dao động từ 280 - 340 triệu đồng (tức hơn 9 tỷ đồng/tháng). Con số này chắc chắn sẽ cao gấp nhiều lần tại các trạm đặt trên các tuyến cao tốc và gần cửa ngõ ra vào các thành phố lớn. 
Ở đây, nếu cộng tất cả các dự án BOT trên QL14 và QL1A thì số trạm sẽ là hơn 20. Nguồn thu phí mỗi ngày từ những trạm này là không hề nhỏ nên việc các chủ đầu tư lo lắng về cơ chế thu và trả phí hoàn vốn cho các dự án đường bộ là điều dễ hiểu. 
Các nhà đầu tư đang đợi câu trả lời cũng như sự cam kết về độ minh bạch khi triển khai dự án này từ phía Bộ GTVT.

Đọc thêm