Tạm đình chỉ nhiều cán bộ cấp Trung ương
Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 48, cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của TANDT, VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. |
Về công tác PCTN năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết đã tiến hành 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan, đơn vị phát hiện 335 vụ việc, 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019). Hiện 56 người đã bị xử lý kỷ luật, 64 người bị xử lý hình sự cùng với khoảng 23/43 tỷ đồng đã được thu hồi, bồi thường.
Trong năm 2020 đã có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng trị giá là 31,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, TTCP không ghi nhận được trường hợp nào nộp lại.
Đáng chú ý, báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ nêu rõ biện pháp đối với chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến…
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh PCTN cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt là trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN…
Chính phủ cũng đề nghị TANDTC, Viện KSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước. Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia
Trình bày báo cáo tóm tắt về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tạo bước tiến mạnh, đột phá, chuyển biến rõ rệt; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. |
Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 của Chính phủ và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quý Vương cảnh báo nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp…