Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Cần vốn hỗ trợ doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ FTA

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được đàm phán, ký kết và thực thi đến nay là 19. Để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA này, các Bộ, ngành và doanh nghiệp cần làm gì? Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Kiện toàn và nâng cấp Cổng thông tin của Chính phủ về FTA

Hiện Việt Nam đã thực thi 16 FTA với số lượng quốc gia tham gia lên đến hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu... nhưng thực tế, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ FTA. Cần phải thay đổi như thế nào để doanh nghiệp tiếp nhận và tận dụng cơ hội từ FTA hiệu quả hơn, thưa ông?

- Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và giữ vững cán cân thương mại thặng dư nhiều năm liên tiếp. Sau nhiều năm thực hiện các giải pháp tuyên truyền về các FTA để địa phương, DN có thể tìm hiểu và tận dụng cơ hội thì hiện nay, Bộ Công Thương nhận thấy, cần hạn chế các hội nghị, hội thảo mang tính chung chung, khái quát về các FTA mà cần tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề, hướng vào các vấn đề mà DN quan tâm, phải cụ thể, sát với thực tế, đặc biệt cần chú trọng tuyên truyền các nội dung về phát triển bền vững (lao động, môi trường...), cách thức tận dụng ưu đãi và tổ chức đối thoại tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục của các DN khi tham gia các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh đó sẽ tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành và địa phương cũng như các Hiệp hội trong hoạt động tuyên truyền. Năm 2024, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Công Thương đã thông báo tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các hiệp hội về kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024. Kế hoạch này được xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc thống nhất kế hoạch tuyên truyền trên cả nước về các FTA để bảo đảm tối đa hiệu quả tận dụng nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng như của các hiệp hội, DN.

Kế hoạch này có khác biệt gì so với các năm trước, thưa ông?

- Ngoài các nội dung thường xuyên thực hiện như thông tin về thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA; Về các chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA; Về nâng cao giá trị thương hiệu cho DN tại thị trường FTA; Hướng dẫn các cam kết trong các FTA; Tham gia chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối với DN nước ngoài, DN đầu tư nước ngoài; Đào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA thì kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024 tập trung vào các chủ đề như xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA; Tuyên truyền về các nội dung liên quan phát triển bền vững theo các FTA; Tận dụng nguồn nhập khẩu để gia tăng tỷ lệ tận dụng FTA.

Đặc biệt đẩy nhanh việc kiện toàn và nâng cấp Cổng thông tin của Chính phủ về FTA (FTA Portal), giao các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tích cực hơn nữa với Bộ Công Thương trong việc cung cấp và cập nhật nội dung, số liệu để FTA Portal thực sự là cổng thông tin hữu ích cho DN, giúp kết nối DN với các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong quá trình tận dụng FTA.

Bộ Công Thương cũng đang chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất phương pháp thống kê số liệu về đầu tư, xuất nhập khẩu, đầu tư liên quan đến thực thi FTA cũng như cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin về số liệu này cho các địa phương. Đồng thời đang chủ trì, phối hợp với các thành viên Tổ công tác liên Bộ để khẩn trương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá thực thi FTA tại các địa phương (FTA Index) để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực thi các FTA năm 2024 và các năm tiếp theo.

Một trong những khó khăn được nhận diện trong việc thực thi các FTA là sửa đổi khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với các cam kết. Hiện, vấn đề này đang được thực hiện như thế nào?

- Bộ Công Thương vẫn đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong các FTA. Ngoài ra, định kỳ rà soát việc thực thi, nhanh chóng xử lý vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản này; Tiếp tục triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn các công ước quốc tế và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan bảo đảm thực thi cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Nông sản là một trong những ngành hàng tận dụng khá tốt các cơ hội từ các FTA.

Nông sản là một trong những ngành hàng tận dụng khá tốt các cơ hội từ các FTA.

Bổ sung nhân lực chuyên trách về thực thi các FTA tại địa phương

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

- Bộ Công Thương cũng đã có riêng nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ DN để có thể tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội từ các FTA. Ví dụ như Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan chủ động xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ DN tận dụng FTA, tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trước mắt mỗi tỉnh, thành tập trung xác định 1 - 2 lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực để xây dựng hệ sinh thái, nếu thành công sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác.

Để hỗ trợ cho hệ sinh thái này, các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương cần kết nối chặt chẽ với nhau để xây dựng chính sách, các biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực được lựa chọn. Trong năm 2024, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức 14 tọa đàm tham vấn các địa phương, hiệp hội và DN về mô hình Hệ sinh thái tận dụng FTA này để sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, cũng sẽ có chính sách tổng thể hỗ trợ, tạo điều kiện để DN tiếp cận và sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối” nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA.

Theo chia sẻ của nhiều DN, để có thể thích ứng và tận dụng các cam kết của các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới thì hầu hết đều cần thêm vốn để đầu tư. Bộ Công Thương có cách nào để hỗ trợ DN liên quan đến vấn đề này chưa, thưa ông?

- Một trong những biện pháp hỗ trợ được xem là hiệu quả và thiết thực nhất cho DN đang được Bộ Công Thương tính tới đó là xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các DN tận dụng các FTA. Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể hơn với các ngân hàng thương mại để xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ cho các DN muốn nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA. Hình thức hỗ trợ có thể là lãi suất ưu đãi phù hợp với cam kết quốc tế, điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn...

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các tổ chức tín dụng quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hay các nguồn tài chính hợp pháp khác để tạo nguồn vốn giúp các DN Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới.

Thưa ông, từng có những phân tích chỉ ra rằng, hiện nhân lực dành cho các vấn đề liên quan đến thực hiện FTA rất mỏng. Một Sở Công Thương địa phương có thể chỉ có một nhân lực để dành cho công tác này, lại còn kiêm nhận thêm các công tác khác, trong khi đó, số lượng các FTA nhiều, các cam kết cũng đa dạng. Vậy Bộ Công Thương có biện pháp gì để tăng cường nhân lực cho việc tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, từ đó giúp DN “trúng và đúng” hơn?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về FTA cho các cơ quan quản lý, địa phương và DN nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA. Trong năm 2024, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các lớp đào tạo để trở thành chuyên gia FTA cơ bản và nâng cao cho các tỉnh thành, hiệp hội DN...

Đồng thời Bộ cũng sẽ đề nghị bổ sung nhân lực chuyên trách về thực thi các FTA tại các địa phương. Điều này là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA tại các tỉnh, thành. Vấn đề này đã được Bộ Công Thương báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Ngoài ra, cũng sẽ tạo nguồn nhân lực lâu dài hiểu biết và nắm rõ về các FTA thông qua triển khai đào tạo từ cấp đại học, cao đẳng bằng cách đưa các nội dung FTA vào giáo trình đào tạo. Tuy nhiên, cần chú ý xây dựng nội dung đào tạo cụ thể, có tính thực tiễn cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm