Hoạt động IUU là mối đe dọa đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam là một trong 21 quốc gia bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng. Điều này đồng nghĩa với việc thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất, nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Hoạt động IUU được Ủy ban châu Âu ban hành năm 2010 nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động IUU vào thị trường EU. Năm 2017, EC đã đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động IUU. Thời gian qua, việc chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có vị trí quan trọng trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các năm và xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU đến nay cơ bản là khả quan.
Việc EC áp thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017 cũng là một cú huých để nước ta bắt buộc phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành thủy sản một cách quyết liệt, mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện trong gần 7 năm qua, theo đúng hướng mà nước ta đã lựa chọn trước đó.
Đó là, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm với lộ trình giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tăng nuôi biển; quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn trong thể chế pháp luật, trong đó có thể đánh giá rằng công tác quản lý đội tàu cá khai thác, truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác đã có sự đột phá “lột xác” trong thiết kế mô hình quản lý sản lượng khai thác hải sản tại các cảng cá.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kết quả đạt được trong chống khai thác IUU đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững, đi sâu vào hội nhập. Với sự nỗ lực, quyết liệt đi vào hành động của cả hệ thống chính trị thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.
Việt Nam đã tạo được niềm tin cho Ủy ban Châu Âu và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua việc thực thi Luật Thuỷ sản 2017.
|
Ủy ban Châu Âu ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác chống khai thác IUU. (Ảnh minh họa) |
Ủy ban Châu Âu ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác chống khai thác IUU và thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trong 7 năm qua. Đặc biệt đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại thông báo “Cảnh báo thẻ vàng” của EC ngày 23/10/2017, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần 4 vào tháng 10/2023 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sau đợt làm việc của Đoàn Thanh tra EC tại Việt Nam sắp tới.
Trong tháng 11/2024 Đoàn Thanh tra EC sẽ sang Việt Nam lần 5 để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu về chống khai thác IUU, trong đó tập trung vào tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra lần 4 về 4 nhiệm vụ trọng tâm như: Xóa sổ tàu cá 3 không, Công tác quản lý đội tàu; Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Theo dõi, kiểm tra, giám sát tàu cá, sản lượng tại cảng và hoạt động của tàu cá trên biển; Kiểm soát nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam qua đường công ten nơ và theo các biện pháp quy định tại Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA); Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Thực thi pháp luật, đặc biệt là kết quả triển khai các quy định sửa đổi tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra EC, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Ban Chỉ đạo quốc gia dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần 5 về chống khai thác IUU, đồng thời tham mưu các cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì nhằm tập trung triển khai các giải pháp hiệu quả đối với các nhóm khuyến nghị.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp rà soát, kiểm điểm, đánh giá và có các biện pháp thực hiện với từng công việc cụ thể theo 04 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên. Bộ và các địa phương đã xây dựng kịch bản, chương trình chi tiết đón và làm việc với Đoàn rất cụ thể.
Bên cạnh công tác đón đoàn Thanh tra EC, Bộ NN&PTNT cũng xác định rõ, phát triển nghề cá bền vững là căn cốt để giải quyết cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. Do vậy, trong thời gian qua, Ngành Thủy sản đã xây dựng và đang triển khai thực hiện đồng bộ chiến lược, các đề án phát triển trong các lĩnh vực khai thác, thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn; có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; có khả năng cạnh tranh cao và bền vững; thân thiện với môi trường; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với BĐKH; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.