Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Lệ Hằng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác Tư pháp 04 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, về công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Hoạt động kiểm tra văn bản QPPL được chú trọng thực hiện, đảm bảo 100% văn bản QPPL được kiểm tra sau khi ban hành. Hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện hiệu quả, đạt kết quả tích cực.
Trong tổ chức thi hành pháp luật, Sở Tư pháp hiện đang được giao nhiều trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc trong triển khai thi hành văn bản pháp luật cũng như trong phân tích, đánh giá, xác định các vấn đề pháp lý trong các quyết định, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
|
Sở Tư pháp đã xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá về hệ thống văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành (tại địa chỉ vbpl.vn), cung cấp văn bản được số hoá với đầy đủ thông tin về hiệu lực văn bản, nội dung được sửa đổi, bổ sung… đảm bảo 100% văn bản sau khi được ban hành được số hoá trên môi trường mạng internet.
Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, thực hiện song song với các hình thức PBGDPL truyền thống, các mô hình mới, hiệu quả, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả như: tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; hỏi đáp pháp luật, đăng tải hướng dẫn, pa- nô, áp- phích, video tuyên truyền về pháp luật.
Năm 2021, Sở Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh Thái Nguyên, phục vụ tích cực cho các hoạt động PBGDPL và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 168/178= 94,38% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực trong việc xây dựng sự đoàn kết, tăng cường tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc |
Về công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từng bước được nghiên cứu, tiếp cận phù hợp; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2021-2025. Từ năm 2020, Sở Tư pháp được giao bổ sung nhiệm vụ tham mưu rà soát, xem xét đề xuất của nhà đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến các dự án triển khai tại địa phương. Trong 04 tháng đầu năm đã tham mưu có ý kiến đối với 94 dự án.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung như: Công tác quản lý xử lý VPHC, theo dõi thi hành pháp luật; Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong 04 tháng đầu năm 2022, các đơn vị sự nghiệp của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phòng Công chứng số 1 đã thực hiện được 3.183 việc. Tổng số phí thu được 1.360 triệu đồng.
Phòng Công chứng số 2 thực hiện được 719 việc. Tổng số phí thu được 180 triệu đồng; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã thực hiện bán đấu giá thành là 44 cuộc đấu giá, giá bán: 244 tỷ đồng, số tiền tăng thêm so với giá khởi điểm là 15,5 tỷ đồng. Triển khai công tác đấu thầu thuốc tập trung trên địa bàn tỉnh với giá trị 384 tỷ đồng.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý NN đã tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng 89 vụ việc; số vụ việc thành công điển hình: 14 vụ việc. Thực hiện cập nhật vụ việc lên cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Những tháng tiếp theo, Sở Tư Pháp tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu chỉ đạo, triển khai toàn diện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Sở Tư Pháp cũng báo cáo đồng chí Thứ trưởng một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở Tư pháp cũng báo cáo về những hoạt động đã thực hiện và đề xuất, kiến nghị để thực hiện công tác tư pháp tỉnh đạt kết quả cao hơn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực và kết quả đạt được của Sở Tư pháp Thái Nguyên. Thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cần tham mưu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc trong thể chế ngành Tư pháp. Tăng cường công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phát huy được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh vai trò của ngành Tư pháp trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó đưa ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong công tác. Tăng cường quản lý, xây dựng bộ máy tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp để tiếp cận gần nhất đến nhân dân, phấn đấu để công tác phổ biến pháp luật là tự thân, tạo hứng thú tìm hiểu pháp luật của người dân, lồng ghép phổ biến pháp luật vào các chương trình trọng tâm.
Bộ Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp nói chung luôn quan tâm, sâu sát đến Sở Tư pháp Thái Nguyên giúp cho công tác Tư pháp của Thái Nguyên tiếp tục được triển khai hiệu quả, lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực cho tư pháp địa phương.