Công ty của ông Tuyến chuyên thực hiện dịch vụ logistics cho các chủ tàu nước ngoài tại Việt Nam. Công ty làm thủ tục tạm nhập tái xuất các thiết bị, phụ tùng sửa chữa tàu biển, thực phẩm, vật dụng sinh hoạt trên tàu nước ngoài đang neo đậu tại cảng Việt Nam. Hàng làm thủ tục tạm nhập tái xuất ngay, trong đó có mặt hàng như mỹ phẩm và thuốc uống dành cho thuyền viên.
Theo ông tham khảo thì hiện nay chưa có quy định về trường hợp tạm nhập tái xuất thuốc uống phải xin giấy phép Bộ Y tế. Ông Tuyến đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về vấn đề này.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP: “Việc tạm nhập, tái xuất các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý bằng giấy phép thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành”.
Quy định về việc nhập khẩu thuốc không nhằm mục đích thương mại tại Điều 75 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược như sau:
- Thuốc chỉ được cấp phép nhập khẩu theo hình thức nhập khẩu không vì mục đích thương mại khi thuộc hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận tải đơn hoặc hàng hóa mang theo người của người nhập cảnh để điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh và không phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất.
- Các trường hợp khi nhập khẩu không vì mục đích thương mại không cần giấy phép bao gồm: Số lượng nhập khẩu không vượt quá số lượng sử dụng tối đa 7 ngày đối với thuốc gây nghiện hoặc 10 ngày đối với thuốc hướng thần, thuốc tiền chất theo liều dùng ghi trong đơn thuốc kèm theo; thuốc nhập khẩu không phải là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc tiền chất có tổng trị giá hải quan không quá 200 đô la Mỹ; trường hợp thuốc sử dụng cho người bị bệnh thuộc Danh mục bệnh hiểm nghèo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuốc có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng 1 lần và số lần nhận thuốc tối đa không quá 4 lần trong 1 năm cho 1 cá nhân.
Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp thuốc nhập khẩu thuộc diện quản lý bằng giấy phép nhập khẩu phải thực hiện theo giấy phép tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương.
Đề nghị ông căn cứ thực tế hàng hóa và đối chiếu các quy định nêu trên để xác định mặt hàng thuốc dự kiến tạm nhập, tái xuất có cần phải giấy phép tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương không. Trường hợp còn vướng mắc phát sinh, đề nghị ông liên hệ với Bộ Y tế để được hướng dẫn giải quyết.
Thủ tục tạm nhập tái xuất mỹ phẩm cho thuyền viên tàu nước ngoài
Điều 35 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/11/2011 của Bộ Y tế quy định, mỹ phẩm nhập khẩu phải có Phiếu công bố mỹ phẩm (không phải giấy phép nhập khẩu). Theo đó, căn cứ Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên thì mỹ phẩm tạm nhập, tái xuất cho thuyền viên tàu nước ngoài không phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương.
Về hồ sơ hải quan, đề nghị ông căn cứ theo hồ sơ đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và khai báo theo mã loại hình G13 - Tạm nhập miễn thuế khi tạm nhập và G23 - Tái xuất miễn thuế khi tái xuất trên tờ khai hải quan.