Thủ tướng Chính phủ dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

(PLVN) - Tối ngày 21/5, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/2032- 24/5/2022), công bố di sản thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Tham dự chương trình lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai về phía lãnh đạo Trung ương gồm có ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch UB mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố. Về phía tỉnh Gia Lai tham dự buổi lễ có ông Hồ Văn Niên, bí thư tỉnh uỷ; các đồng chí thường trực Tỉnh uỷ; lãnh đạo tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, cùng toàn thể nhân dân.

Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Mở đầu chương trình, ông Đỗ Tiến Đông, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, giới thiệu ý nghĩa của buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai. Sự kiện diễn ra nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự lực tự cường và tinh thần đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ tham dự buổi lễ

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ tham dự buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Niên, Bí thư tỉnh, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai trong chiều dài lịch sử của dân tộc. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24 tháng 5 năm 1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12 tháng 12 năm 1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6 năm 1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Ông Hồ Văn Niên, bí thư tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai

Ông Hồ Văn Niên, bí thư tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai

Sau giải phóng, Gia Lai bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế lạc hậu, phân tán, du canh du cư, tự cấp tự túc; cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chưa phát triển và bị chiến tranh tàn phá nặng nề; đời sống đồng bào các dân tộc thiếu thốn, đói, đau, mù chữ, nạn thất nghiệp và tệ nạn xã hội ở thị xã, thị trấn chưa được giải quyết; an ninh chính trị nhiều vùng mới giải phóng chưa ổn định, các thế lực thù địch lén lút hoạt động chống phá cách mạng; chính quyền cách mạng chưa vững mạnh. Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu, trong đó: Khôi phục và cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh, tập trung khai hoang, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, sản xuất lương thực, cải tạo công thương nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại cho núi rừng Bắc Tây Nguyên một luồng sinh khí mới. Có thể nói, kinh tế của tỉnh thường xuyên đạt được mức tăng trưởng khá, là điều kiện để diện mạo của địa phương từng bước đổi thay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%.

Về văn hoá , xã hội, không gian văn hoá Cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Gia Lai đã làm được trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì bình quângần 8%/năm giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, GRDP đạt hơn88 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thầncủa người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%). Đây là những con số đáng ghi nhận. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; đối ngoại được tăng cường.

Thủ tướng đánh giá những thành tựu mà Tỉnh đã đạt được là rất cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý một số nội dung trọng tâm như: Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng và vươn ra thế giới; quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.Thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vào tháng 11/2021; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh, phát triển KTXH cần đặt trong sự bảo đảm về quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại.

Ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vinh dự nhận bằng chứng nhận của Unesco

Ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vinh dự nhận bằng chứng nhận của Unesco

Cũng trong buổi lễ này, Đảng bộ và nhân dân Gia Lai vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo và đón nhận bằng xếp hạng di tích khảo cổ Quốc gia Rộc Tưng- Gò Đá.

Đọc thêm