Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tới dâng hương, dâng hoa tại Di tích Thành cổ Quảng Trị. Chuyến dâng hương đúng vào dịp Ngày Giỗ chung (16/9 hàng năm) dành cho các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại địa danh lịch sử này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn xúc động dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm (Ảnh: chinhphu.vn) |
Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn xúc động dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị là địa bàn đặc biệt quan trọng, là nơi diễn ra những trận đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ 28/6/1972 - 16/9/1972).
Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây còn được xem như là thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, được viết tiếp bằng chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.
Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất thành cổ miền Trung. Máu của các anh đã hòa vào lòng đất, để góp phần mang lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Địa danh lịch sử này cũng là bến nằm vĩnh cửu của hàng ngàn thanh niên mà phần lớn là con em miền Bắc xếp bút nghiên lên đường vào Nam theo lệnh tổng động viên vì sự nghiệp kháng chiến.
Ngày 16/9/1972 là ngày kết thúc 81 ngày đêm quyết tử vì mảnh đất này và cũng được lấy là Ngày giỗ tập thể dành cho các anh hùng, liệt sĩ nằm lại nơi đây. Trong khuôn viên hướng vào Đài Tưởng niệm, khách hành hương còn được chiêm ngưỡng những câu thơ bi tráng của cựu chiến binh Phạm Đình Lân trong một lần trở lại thăm đồng đội trên chiến trường xưa, được tạc trên một hòn đá lớn: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ? Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng…”.
Cùng với dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được coi là 2 nghĩa trang không bia mộ của miền đất khói lửa Quảng Trị - khúc ruột miền Trung, điểm tỳ vai của chiếc “đòn gánh” trĩu nặng giang sơn hứng chịu biết bao nỗi mất mát, đau thương và chia cắt góp phần tạo nên thắng lợi to lớn của quân và dân ta.