Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011) và cũng là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 5/2016). Các chuyến thăm và tiếp xúc được lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua duy trì thường xuyên. Trong năm 2017, Thủ tướng Nhật Abe đã thăm Việt Nam (tháng 1), Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam (tháng 3). Hiện, Nhật Bản là nước tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam; là nhà đầu tư số 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Nhật Bản với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường – Bước đi tiếp theo của châu Á”. Việc tham dự hội nghị này thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực, là dịp để Việt Nam nêu quan điểm về quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh mới nhiều biến động, về các thách thức chung đối với châu Á và giải pháp ứng phó; quảng bá hình ảnh, chính sách kinh tế của chính phủ mới của Việt Nam.
Dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong khu vực như Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe..., lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn và các học giả.