Đây là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về ĐMST, khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ĐMST mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên.
Lần đầu tiên được tổ chức, Triển lãm đã quy tụ đầy đủ, tất cả các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST như các tập đoàn, DN công nghệ lớn trong nước, DN nhỏ và vừa, DN FDI, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, mạng lưới ĐMST Việt Nam và đặc biệt có sự góp mặt của các hợp tác xã, DN xã hội và cả các mô hình kinh doanh của người yếu thế có ứng dụng đổi mới và sáng tạo trong các khâu sản xuất.
Bên cạnh đó, với nhiều hoạt động bên lề như tọa đàm, kết nối kinh doanh…, Triển lãm được kỳ vọng sẽ trở thành "diễn đàn kết nối" các chuyên gia, nhà khoa học, các học sinh, sinh viên, DN, quỹ đầu tư để cụ thể hóa các ý tưởng ĐMST thành các ý tưởng kinh doanh, các sản phẩm thương mại và là nơi truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần ĐMST mạnh mẽ.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiến vào sự kiện trên "con đường" ánh sáng công nghệ |
Cùng với sự kiện khai mạc triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2021, Bộ KH&ĐT đã chính thức khởi công xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC).
NIC được Thủ tướng Chính phủ "khai sinh" tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 /10/2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do DN, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của DN. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.
Sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm đã sẵn sàng để chính thức khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ là nơi quy tụ các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng ĐMST vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn câu chuyện nhiều quốc gia giàu tài nguyên, nhưng không phát triển và ngược lại có những quốc gia nghèo tài nguyên nhưng lại đạt được sức tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng khẳng định, ĐMST chính là chìa khóa để vươn tầm, trên nền tảng vị thế mới của quốc gia.
Nhấn mạnh chính con người và công nghệ là 2 nhân tố cốt lõi, quyết định sự phát triển của một quốc gia, Thủ tướng cho rằng tại Việt Nam, trên nền vị thế mới của Đất nước, ĐMST chính là chìa khóa để nước ta thoát thoát bẫy thu nhập trung bình và đạt được sự phát triển bứt phá trong tầm nhìn dài hạn.
Điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong năm 2020, Thủ tưởng khẳng định, những kết quả này là minh chứng cho thấy sức tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng một Việt Nam bứt phá trong tương lai.
Nhưng để tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng quả quyết, con đường chính là ĐMST. “Đảng và Nhà nước đã nhận ra vai trò của ĐMST với sự phát triển của nền kinh tế và khẳng định tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị quyết tâm phát triển ĐMST ở tầm quốc gia, lấy cộng đồng DN làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu và tri thức người dân làm chủ thể để phát triển…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Phối cảnh NIC. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, hiện nay, ở tầm quốc gia, ngân sách Việt Nam chi cho ĐMST thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Cụ thể khoản chi này mới chiếm 0,44% GDP tại Việt Nam, trong khi thế giới, mức trung bình là 2,33%. Cùng với đó, các DN Việt Nam chưa đầu tư, chưa quan tâm xứng đáng cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển các ý tưởng kinh doanh mới.
“Thực tế này cần phải thay đổi và việc Chính phủ thành lập Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) để thực hiện sự thay đổi này!”- Người đứng đầu Chính phủ quả quyết.
Điều Thủ tướng mong muốn là Bộ KH&ĐT ở vai trò chủ trì, sẽ tiếp tục kết hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, DN và các chủ thể trong và ngoài nước, lan tỏa văn hóa đổi mới, sáng tạo đến nền kinh tế và mọi người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của NIC, Bộ KH&ĐT cần thể hiện cam kết đồng hành với các DN và mọi người dân trong công cuộc ĐMST đưa Việt Nam thành điểm đến của ĐMST trong kỷ nguyên mới.
Ngày 10/1 hàng năm là “Ngày đổi mới sáng tạo quốc gia”
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, cách đây tròn 1 năm, ngày 9/1/2020, khi về làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT trong giai đoạn phát triển tới Bộ KH&ĐT phải là cơ quan tổng tham mưu giải quyết những đầu bài lớn về tăng trưởng cho đất nước, là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động, tham mưu hiệu quả các chính sách tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.
Ngày 31/12/2020 vừa qua, khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành KH&ĐT, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ khẳng định "Bộ, cơ quan nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này nếu không phải là Bộ KH&ĐT? Đó chắc chắn là Bộ KH&ĐT!"
“Đây chính là trọng trách lớn lao mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT; đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ về năng lực tham mưu, nghiên cứu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề chiến lược, có tính nhạy bén, then chốt, quyết định với tầm nhìn dài hạn để tận dụng thời cơ cho sự phát triển của đất nước…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, các DN khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, ĐMST; đến nay đã quy tụ được hơn 1000 thành viên và thiết lập được 5 văn phòng mạng lưới tại 4 quốc gia Mỹ, Đức, Nhật và Australia.
Đồng thời, trong tháng 12/2020, Bộ KH&ĐT đã ban hành “Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành DN trên nền tảng số với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của DN, tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ về chuyển đổi số đến năm 2025.
Theo kiến nghị của Bộ KH&ĐT, tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 10/1 hàng năm là "Ngày ĐMST của Việt Nam". Đây là cơ hội để Việt Nam trình diễn, tôn vinh hoạt động ĐMST của con người Việt Nam, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân "biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn cho phát triển bền vững đất nước" như chính kỳ vọng, mong muốn của Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những bước tiến của công nghệ nước nhà, nhưng cũng không quên những thách thức còn hiện hữu. Để vượt qua những thách thức và tận dụng được thành tựu công nghệ mới, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp công sức, trí tuệ cho phát triển của ĐMST nước nhà, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”- Bộ trưởng kêu gọi.