Thủ tướng yêu cầu khôi phục bền vững rừng Tây Nguyên

(PLO) - Ngày 20/6, tại tỉnh Đắk Lắk, dự Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Mất 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng

Đó là nhận định mà Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị và cho rằng nguyên nhân làm “mất rừng” ở Tây Nguyên, theo Thủ tướng là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng. Điểm đáng lưu ý nữa là tình trạng di dân tự do từ nhiều tỉnh, thành đến Tây Nguyên, làm trầm trọng hơn vấn nạn phá rừng. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. 

Theo Thủ tướng, Tây Nguyên là “nóc nhà Đông Dương”, đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung của đất nước. Do đó, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với việc bảo vệ rừng, góp phần đưa Tây Nguyên có bước phát triển mới. Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu, rừng còn gắn với văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng nhưng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên chưa thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. 

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đề ra, gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên vì “đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ”. Đồng thời không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. Không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

“Chúng ta đã có một diện tích tương đối trồng cây cao su, cà phê và các cây công nghiệp khác, nên tiếp tục tập trung vào thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, chứ không phải tăng diện tích tràn lan”, Thủ tướng lưu ý. 

Cùng với đó, cần đẩy mạnh sắp xếp lại các nông, lâm trường, ban quản lý để đất rừng có chủ, có chính sách bảo đảm thu nhập cho người bảo vệ, trồng rừng. Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. 

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền, các lực lượng công an, kiểm sát, quân đội vào cuộc, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng cho hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tôn vinh những tập thể, cá nhân, lực lượng làm tốt công tác bảo vệ rừng. 

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

 Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%. 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng.
Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân của tình trạng phá rừng là vấn đề di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh.

Đọc thêm