Thư viện lưu động - đại sứ văn hóa đọc lan tỏa tình yêu sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các hoạt động như thư viện lưu động, cuộc thi đại sứ văn hoá đọc đã góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, giúp xây dựng xã hội học tập.
Các cuộc thi về văn hoá đọc đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Các cuộc thi về văn hoá đọc đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách.

Những chuyến xe đưa sách tới bạn đọc

Dự án Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Vụ Thư Viện, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch bắt đầu triển khai từ năm 2016 tại 13 tỉnh, thành phố. Mỗi xe ô tô thư viện lưu động được trang bị hơn 4.000 cuốn sách, với máy chủ, máy tính xách tay, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói, các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị,… kèm theo ghế nhựa và dù cỡ lớn,… Với đầy đủ trang thiết bị, thư viện lưu động đa phương tiện có thể phục vụ người dân ở mọi vùng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, và trong cả điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Đến năm 2019, đã có trên 30 tỉnh, thành của cả nước được trao tặng Xe Thư viện lưu động đa phương tiện. Đến nay, mô hình này vẫn tiếp tục lan rộng trên cả nước. Đơn cử tại tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2018 trở lại đây, xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh đã hoạt động hết công suất để mang sách đến phục vụ học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường học vùng sâu, vùng xa nhằm mở mang tri thức, khuyến khích tinh thần tự giác trong học tập của các em học sinh. Theo thống kê của Thư viện tỉnh, từ năm 2018 đến 2021, xe thư viện lưu động đã tổ chức được 230 chuyến xe để phục vụ cho trên 60.000 lượt bạn đọc, trên 33.400 lượt sách, báo được luân chuyển, bình quân mỗi năm có khoảng 5.000 lượt truy cập máy tính trên xe thư viện lưu động.

Một ví dụ khác là Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum đã duy trì việc tổ chức hàng chục chuyến xe lưu động trong nhiều năm nay, nhằm phục vụ cho nhu cầu đọc sách của hàng chục nghìn em học sinh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trên ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Plông,….

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, dù trong mùa dịch bệnh phức tạp, các xe thư viện lưu động đã chủ động thích ứng linh hoạt bằng việc thay đổi phương thức từ phục vụ tập trung toàn trường sang triển khai hoạt động đọc sách và đố vui theo từng nhóm nhỏ, từng lớp nhằm đảm bảo an toàn mà vẫn cung cấp đầy đủ những đầu sách có nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi học sinh tại cơ sở. Việc duy trì hoạt động này trong mùa dịch đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em học sinh có tinh thần thoải mái hơn, giải tỏa áp lực sau một thời gian dài học trực tuyến, đồng thời lan toả tình yêu sách trong cả đội ngũ cán bộ, giáo viên; góp phần xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, dịch vụ thư viện lưu động cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại đô thị. Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động, phục vụ tại 50 điểm trường Tiểu học, Trung học Cơ sở thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội. Theo thống kê, dịch vụ này đã phục vụ trên 40.000 học sinh và 120.000 lượt sách. Cùng với đó, có khoảng 50.000 bản sách, báo đã được luân chuyển xuống 125 thư viện, tủ sách cơ sở, thư viện trường học, trại giam và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những chuyến xe mang ánh sáng tri thức đã thực sự góp phần xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ tạo ra một luồng sinh khí mới cho các thư viện tỉnh, thành trong việc triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lan toả tình yêu sách qua các Đại sứ văn hóa đọc

Bên cạnh hoạt động xe thư viện lưu động, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên từ năm 2019 cũng góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách và khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc đối với các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Những chuyến xe lưu động đã đưa sách đến rất nhiều vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.

Những chuyến xe lưu động đã đưa sách đến rất nhiều vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.

Riêng năm 2021, cuộc thi đã thu hút gần 1 triệu học sinh, sinh viên trên khắp cả nước tham gia, trong đó có gần 6.900 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia cuộc thi vòng sơ khảo. Cuộc thi ghi nhận sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đà Nẵng,… Đặc biệt, còn có một lượng lớn thí sinh khiếm thị dự thi. Thông qua đó, nhiều câu chuyện cảm động, cuốn sách hay đã được chia sẻ, nhiều tác phẩm có giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật, thậm chí nhiều bài dự thi tạo ấn tượng bằng hình thức song ngữ, đã được các thí sinh chuyển đến bạn bè và cộng đồng, thể hiện trí sáng tạo, tưởng tượng phong phú của các em học sinh, sinh viên.

Trở thành một trong ba Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021, em Nguyễn Minh Phương, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã chia sẻ rằng: “Bên cạnh tuyên truyền về sách bằng cách tổ chức các hội sách và các cuộc thi, mạng xã hội cũng là công cụ hữu ích để khuyến khích việc đọc, phát triển hơn nữa các nhóm, các group đọc sách cùng mối quan tâm, đó cũng là nơi giao lưu, chia sẻ cảm nhận về những cuốn sách.”

Cũng trong năm 2021 là lần đầu tiên cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến được tổ chức, bắt đầu từ ý tưởng mở ra một sân chơi mới, thú vị và bổ ích để những người yêu sách có thể chia sẻ những cuốn sách hay và lan tỏa thói quen đọc sách tới cộng đồng. Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức, song cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân. Minh chứng là ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 3.000 video dự thi gửi về tham dự.

Năm 2022, cả hai cuộc thi trên đều có sự đổi mới và thay đổi nhằm tạo thêm nhiều cơ hội, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các thí sinh. Ngoài hình thức dự thi bằng bài viết hoặc video như thường lệ, các thí sinh tham dự Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 có thêm nhiều hình thức để lựa chọn thể hiện như vẽ tranh, sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch…về tình yêu sách và văn hóa đọc. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 có chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 có chủ đề “Sách và Khát vọng cống hiến”.

Trả lời báo chí, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức cả hai cuộc thi trên cho biết: “Vị trí, vai trò của văn hóa đã được Đảng ta khẳng định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ nước ta”.

Có thể thấy, trong những năm qua đã có nhiều kế hoạch và biện pháp cụ thể, có tính khả thi đã được xây dựng nhằm nuôi dưỡng văn hoá đọc trên toàn quốc, đặc biệt là kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng thích ứng với đại dịch COVID-19. Tất cả những hoạt động này đều nhằm mục tiêu chung là khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Đọc thêm