Thừa phát lại Hà Nội: Gỡ vướng từ “rào cản” tâm lý khách hàng

(PLVN) -So với thời điểm mới thành lập và đi vào hoạt động, đến nay các Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội đã dần khẳng định vị trí trong đời sống xã hội, giúp giảm tải công việc của một số cơ quan nhà nước, giúp người dân trong việc tạo lập chứng cứ, tuy nhiên vẫn còn đó những e ngại, thậm chí nhiều người còn chưa biết đến chế định này.
Thừa phát lại Hà Nội: Gỡ vướng từ “rào cản” tâm lý khách hàng

Thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền về chế định Thừa phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố; tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Thừa phát lại; thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ cho cá Thừa phát lại trong việc lập và đăng ký vi bằng nhằm tránh sai sót trong quá trình thực hiện công việc của Thừa phát lại.

Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và Công an thành phố tiến hành kiểm tra rà soát đối với hoạt động Thừa phát lại, thông qua công tác kiểm tra đánh giá về tổ chức, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; kịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập để có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, nắm bắt, ghi nhận những phản ánh, góp ý, đề xuất của các Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động đối với những điểm chưa hợp lý, bất cập khi thực hiện các quy định của pháp luật về Thừa phát lại để tham mưu cho UBND thành phố trong việc quản lý và tiếp tục thực hiện việc triển khai chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Đề án “Thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội” và trình Bộ Tư pháp phê duyệt.

Bên cạnh các vấn đề về thể chế, hành lang pháp lý cho hoạt động thì một trong những khó khăn là người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ của Thừa phát lại trong đời sống hàng ngày. Đơn cử như chưa có thói quen tạo lập chứng cứ thông qua lập vi bằng, khi tranh chấp xảy ra thì chứng cứ đã không còn, người bị thiệt hại phải chịu nhiều thiệt thòi, bất lợi. Mặc dù so với thời kỳ còn đang làm thí điểm, vấn đề nhận thức đã được cải thiện rất nhiều, người dân đã biết đến các dịch vụ Thừa phát lại nên tìm đến nhiều hơn, tuy nhiên so với tiềm năng và nhu cầu trong đời sống xã hội, vẫn thấy còn khoảng cách.

Hay điển hình như việc xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án, trong khi Thừa phát lại ra đời trao thêm cho người dân sự lựa chọn mới bên cạnh mô hình cơ quan Thi hành án dân sự tồn tại bấy lâu. Thế nhưng, nhìn vào kết quả hoạt động cũng cho thấy, rất ít doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ này, vì thế, cơ quan Thi hành án thì vẫn trong tình trạng quá tải còn các Văn phòng Thừa phát lại thì không có việc.

Theo phản ánh của nhiều Thừa phát lại, một trong những khó khăn khiến người dân chưa tìm đến Thừa phát lại để yêu cầu các việc về thi hành án là do họ cho rằng Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước dẫn đến không “yên tâm” khi tổ chức thi hành án. Trên thực tế thì trong vấn đề tổ chức, xác minh thi hành án vẫn còn những cơ quan, tổ chức làm khó hoặc từ chối Thừa phát lại.

Mặc dù thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tuy nhiên tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào Thừa phát lại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân. Do đó, công tác tuyên truyền được Hà Nội xác định vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để người dân hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại trong các hoạt động thi hành án, cần thể hiện ngay trong bản án của Tòa án để người dân khi có yêu cầu thì tìm đến với Thừa phát lại.

Còn theo Sở Tư pháp Hà Nội, từ những bất cập trong các quy định về hoạt động của Thừa phát lại hiện hành, Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trình Chính phủ ban hành. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền của Thừa phát lại, nghiên cứu, xem xét trao quyền lớn hơn cho Thừa phát lại cũng như các cơ chế bảo đảm phối hợp cho Thừa phát lại hoạt động hiệu quả. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thừa phát lại giúp thuận lợi hơn trong công tác quản lý cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng.

Đọc thêm