“Mai mốt có việc gì tui giao hết cho Thừa phát lại (TPL), trước giờ tui có biết đến “ông TPL” đâu. Mấy ông làm việc hiệu quả lắm đó, vừa xuống hiện trường nói chuyện phải trái, quay phim, chụp hình… thì ngày mai người ta đã mang mấy trăm triệu đến trả cho tui, không cần phải kéo nhau ra Tòa”… Đó là một trong rất nhiều vụ việc mà PLVN ghi nhận tại các Văn phòng TPL.
Hình minh họa |
Phòng làm việc biến thành “kho tiền”
Một TPL kể: Có hai đại gia ở thỏa thuận với nhau cho thuê một quả đồi có diện tích lớn để làm ăn. Hơn nữa, do số tiền thực hiện giao dịch giữa hai bên khá lớn, nên không biết giao tiền bằng cách nào cho chắc ăn. Chính vì vậy, sau khi bàn bạc về phương thức giao nhận tiền, hai bên quyết định chọn Văn phòng TPL là nơi thực hiện giao dịch.
Trong lần thực hiện giao dịch đó, hai “đại gia” đưa ra những yêu cầu khá khắt khe như: Vào thời điểm giao dịch, ngoài trưởng Văn phòng ra không một ai được có mặt trong Văn phòng TPL. Đúng như giờ đã điểm, mọi người trong Văn phòng TPL rời khỏi bàn làm việc của mình. Kế đó, một chiếc ô tô cùng 10 vệ sỹ xuất hiện trong tình trạng “an ninh” được thắt chặt. Lập tức, hàng chục bao tải nặng trĩu được các vệ sỹ chuyển vào Văn phòng TPL.
Trong phòng thực hiện giao dịch lúc này chỉ có bên thuê, bên cho thuê và luật sư các bên. Sau khi hai bên thực hiện xong các thủ tục cần thiết, TPL mới được vào phòng làm việc của mình.
Thật không tưởng tượng nổi, toàn bộ căn phòng gần 20m2 đã bị tiền chiếm gần hết. Chúng tôi chỉ biết vào làm nhiệm vụ của một TPL là lập vi bằng. Các bên thực hiện giao dịch còn cẩn thận đến mức không cho rò rỉ chút thông tin gì vụ làm ăn hoành tráng này, chỉ riêng số tiền đặt cọc và thuê một vài năm không thôi đã lên đến con số hàng trăm tỷ đồng – một TPL “bật mí”.
Các bên thực hiện giao dịch cho rằng, do số tiền giao dịch lớn, hơn nữa không muốn “đánh mất” lòng tin của đối tác, do vậy các bên đã “gửi gắm niềm tin” vào TPL để tạo lập chứng cứ giao dịch an toàn pháp lý sau này. Câu chuyện đã được một TPL xin giấu tên “bật mí” với PLVN.
Kiểm kê tài sản gần 1.000 tỷ đồng
TPL Nguyễn Văn Thắng, Văn phòng TPL quận Bình Thạnh kể: Một cụ già gần 70 tuổi sinh sống tại TP.HCM đột ngột qua đời để lại một khối di sản kếch xù khoảng gần 1.000 tỷ đồng (gồm vàng, đô la, tiền mặt) mà không có di chúc. Hay tin cụ mất, bảy người con ruột và một con nuôi đang định cư, du học ở nước ngoài trở về lo hậu sự.
Tuy nhiên sau khi lo hậu sự xong, giữa những người con ruột và con nuôi đã phát sinh tranh chấp gay gắt về di sản thừa kế. Bảy người con ruột nói với người con nuôi rằng: “Con nuôi mà cũng đòi thừa kế”. Không những thế, người con nuôi (SN 1987) còn bị các anh, chị lớn trong gia tộc hất hủi, chửi bới đủ điều, cho rằng nào là người không cha mẹ, sống bám người khác… vậy mà cũng tham gia chia tài sản.
Những thành viên trong gia tộc của cụ cứ nghĩ đơn giản rằng, con nuôi thì làm gì có quyền được thừa kế di sản của mẹ để lại. Chính suy nghĩ đó nên họ tìm mọi cách “tống khứ” người con nuôi này ra khỏi nhà.
Quá bức xúc, người con nuôi đã tìm đến Văn phòng TPL Bình Thạnh nhờ giúp đỡ. Sau đó TPL đã giải thích quy định của pháp luật về quyền thừa kế của con nuôi, đồng thời lập vi bằng kiểm kê tài sản là di sản của người đã mất để lại và yêu cầu tất cả những thành viên trong gia tộc và người con nuôi cùng ký vào vi bằng để tạo lập chứng cứ, phòng ngừa rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện các thành viên trong gia đình vẫn đang trong thời gian thương lượng, tính toán bởi do khối di sản quá lớn, những thành viên cũng ngại chuyện đóng án phí để khởi kiện ra Tòa nhằm chia tài sản.
Không còn sợ chồng rút hết tiền của con
Kể về chuyện nghề, chuyện ngành, TPL Vũ Thị Trường Hạnh, trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 8, TP.HCM cho biết: Sau khi kết hôn, đôi “chồng Tây”, “vợ ta” sinh được một cháu bé. Một thời gian sau, do “cơm không lành, canh không ngọt”, “chồng tây” và “vợ ta” quyết định “đường ai nấy đi”. Sau khi kéo nhau ra Tòa, Tòa quyết định cho “bố tây” được quyền nuôi đứa trẻ.
Ngoài ra, đôi vợ chồng “tây, ta” này còn thỏa thuận “hùn” cho đứa con cưng của mình một khoản tiền lên đến 400 nghìn USD bằng cách gửi vào tài khoản của một ngân hàng tại Việt Nam. Theo đó, tiền lãi hàng tháng của khoản tiền này được dùng để “chồng tây” chi tiêu cho đứa bé ăn học hàng tháng; số tiền gốc sẽ được ngân hàng hoàn lại cho chính đứa trẻ khi thành niên để có vốn làm ăn sinh sống.
Tuy nhiên, nỗi lo của người mẹ là không biết xử lý như thế nào nếu như khối tài sản (400 nghìn USD) gửi trong ngân hàng không may bị ông chồng cũ “rút ruột” thì đứa con yêu quý của mình khi thành niên sẽ “trắng tay”.
Sau khi tìm hiểu, người mẹ quyết định “gõ cửa” TPL để nhờ giúp đỡ. Sự tin tưởng của người mẹ đã được đền đáp thông qua việc lập vi bằng của TPL. Theo đó, “trong khoảng thời gian từ thời điểm lập vi bằng cho đến khi đứa con của đôi vợ chồng này trưởng thành, thì người con mới có quyền rút số tiền đó từ ngân hàng theo làm ba đợt (năm 18, 22 và 25 tuổi); ngoài ra không ai được quyền “đụng” đến số tiền 400 nghìn USD gửi ở ngân hàng.”
Sau khi có được tấm vi bằng, Tòa án đã dùng làm căn cứ để công nhận sự thỏa thuận của các bên. Đến đây thì người mẹ Việt mới thở phào nhẹ nhõm, không còn lo sợ ông “chồng tây” “xơi” tiền của con nữa…
Người dân “tố” TPL lập vi bằng cho người bị truy nã Một bạn đọc ôm hồ sơ đến PLVN nhờ lên tiếng giùm vì Văn phòng TPL TB lập vi bằng về hành vi giao nhận tiền hàng trăm triệu đồng giữa các bên trong một vụ kiện. Trong đó, có một người đang bị Cơ quan Công an thực hiện lệnh truy nã. Bạn đọc này cho rằng, việc Văn phòng TPL TB lập vi bằng này đã vi phạm pháp luật, dám lập vi bằng cho người đang bị truy nã. Về vụ việc này, Văn phòng TPL TB khẳng định: TPL căn cứ vào những quy định của pháp luật về hoạt động TPL, đồng thời xét thấy yêu cầu của người bị truy nã không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội nên thụ lý và tiến hành lập vi bằng theo đúng trình tự và hoàn toàn tự nguyện. Ngoài ra, pháp luật cũng không quy định TPL phải biết rõ nhân thân người đến yêu cầu xác lập vi bằng có tiền án, tiền sự, có bị truy nã hay không. |
Phong Trần