Thừa phát lại là gì?

(PLO) - Bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ ở Hoài Đức, Hà Nội hỏi: Thừa phát lại là gì? Văn phòng thừa phát lại cung cấp dịch vụ gì cho người dân?
Thừa phát lại là gì?

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa Phát lại Ba Đình:

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa Phát lại Ba Đình trả lời:

Chế định Thừa phát lại ở Việt Nam đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và thời gian đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa mới giành được chính quyền (chính thức là cho đến ngày 22/5/1950, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng”). Còn ở Miền nam, chế định Thừa phát lại tiếp tục tồn tại đến năm 1975, khi cách mạng giải phóng Miền nam thành công, đất nước thống nhất.

Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008 Quốc hội khóa 12 ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 cho thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và ngày 25/11/2015 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13, chính thức cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/01/2016.

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì: Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm một số công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, một mặt Thừa phát lại không phải là công chức, không phải người được khoác áo nhà nước, nhưng mặt khác, Thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm những công việc thuộc thẩm quyền nhà nước. Khi thực hiện những công việc này, Thừa phát lại được sử dụng quyền lực nhà nước./.

Đọc thêm