Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Đây là văn bản quy phạm pháp luật thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, do những thông tin ghi nhãn đều tác động sát sườn tới đời sống thường nhật của nhiều người.
Ghi “xuất xứ hàng hóa”: điều trước bảo có, điều sau bảo không
Khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định “đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hóa đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa”. Quy định này được hiểu, đối với hàng sản xuất và tiêu thụ nội địa thì không bắt buộc ghi xuất xứ hàng hóa, nếu có địa chỉ của nhà sản xuất (địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa cũng là một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa).
Trong khi đó, khoản 1 Điều 10 Dự thảo lại quy định “xuất xứ hàng hóa” là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa, không phân biệt là hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất và tiêu thụ nội địa.
Như vậy, giữa hai quy định trên chưa có sự thống nhất về yêu cầu bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Theo quan điểm của các chuyên gia pháp luật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước thì không cần thiết phải yêu cầu ghi xuất xứ hàng hóa, mà địa chỉ của nhà sản xuất đã thể hiện đủ yếu tố về nguồn gốc. “Quy định tại khoản 2 Điều 16 là hợp lý. VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại khoản 1 Điều 10 Dự thảo theo hướng “xuất xứ hàng hóa” chỉ là yếu tố bắt buộc có trên nhãn đối với hàng nhập khẩu mà không phải cho tất cả các loại hàng hóa” – văn bản góp ý của VCCI gửi Bộ Khoa học và Công nghệ ghi rõ.
Ai là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa phải ghi trên nhãn?
Điểm b khoản 5 Điều 13 Dự thảo quy định: “Hàng hóa do hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng sản xuất thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các công đoạn để hoàn thiện hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông như lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức này cho phép”.
Tuy nhiên, khái niệm “cùng sản xuất” trong trường hợp này lại không được xác định rõ. Liệu đó là các tổ chức, cá nhân cùng làm, cùng sở hữu, cùng chịu trách nhiệm về sản phẩm hay tổ chức, cá nhân sở hữu thuê tổ chức, cá nhân khác làm/gia công một số công đoạn của sản phẩm nhưng vẫn là người chịu trách nhiệm về sản phẩm?
“Nếu là trường hợp các chủ thể cùng sở hữu, cùng chịu trách nhiệm đối với sản phẩm, thì theo quy định trên tổ chức, cá nhân thực hiện các công đoạn lắp ráp, đóng gói, đóng chai để hoàn thiện hàng hóa trước khi lưu thông phải chịu trách nhiệm về hàng hóa mà không phải là tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai. Điều này dường như là chưa hợp lý và chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bởi, theo quy định tại Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì người sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình sản xuất ra” – một chuyên gia pháp luật phân tích – “Như vậy, trong các trường hợp mà công đoạn đóng gói, đóng chai chỉ là 1 khâu đơn giản, ít tác động đến chất lượng sản phẩm hàng hóa thì người phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa không thể là người đóng gói mà phải là người sản xuất ra sản phẩm đó.”
Còn đối với trường hợp người lắp ráp mua các bộ phận của hàng hóa từ các nhà sản xuất khác nhau và lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh, thì cá nhân, tổ chức lắp ráp phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng của sản phẩm và yêu cầu ghi tên doanh nghiệp lắp ráp trên nhãn là chính xác. Mặc dù vậy trong trường hợp này, tổ chức cá nhân lắp ráp hàng hóa là người chịu trách nhiệm duy nhất đối với hàng hóa hình thành sau khi lắp ráp chứ không phải là “cùng sản xuất”.
Nếu là trường hợp tổ chức, cá nhân sở hữu chỉ thuê tổ chức, cá nhân khác gia công, làm một số công đoạn cho mình, thì trường hợp này chỉ có một tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, các tổ chức, cá nhân khác tham gia vào một số công đoạn nhưng theo hợp đồng thuê dịch vụ/công việc. Do đó, quy định ghi tên tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng trên nhãn mà không phải ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm là không hợp lý.
Như vậy, có thể thấy, khái niệm “cùng sản xuất” tại điểm b khoản 5 Điều 13 Dự thảo cần được quy định rõ, đồng thời phân tách các trường hợp để xác định chính xác đối tượng chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa và từ đó xác định chủ thể phải ghi tên, địa chỉ trên nhãn theo hướng tên trên nhãn phải là tên của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng trước khi được bán ra, tiêu thụ trên thị trường.