Nhiều ổ dịch mới, lan rộng nhiều nơi
Còn theo tin từ Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Thừa Thiên - Huế, ổ DTLCP đầu tiên được phát hiện vào ngày 16/3 tại thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền). Tính đến ngày 1/6, DTLCP đã xảy ra trên đàn lợn của 530 hộ chăn nuôi ở 367 thôn, 54 xã thuộc 8 huyện (chỉ còn 1 huyện chưa phát hiện). Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 2.147 con. Bên cạnh đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng lợn chết vì bệnh phải tiêu hủy và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Hưng (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói, DTLCP hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn.
Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch. Nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Đồng thời, nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y.
Như vậy, trong thời gian ngắn, DTLCP đã lây lan ở địa phương này với tốc độ chóng mặt. Vào ngày 22/5, mới chỉ xảy ra tại 34 hộ với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 195 con. Nhưng chỉ 10 ngày sau, tỉnh này có thêm 496 hộ có lợn mắc dịch, tiêu hủy thêm chừng 2 nghìn con.
Theo nhiều chủ trang trại, thường lợn thịt đạt từ 80-100kg là xuất bán. Tuy nhiên, trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chọn cách xuất bán sớm hơn, khi lợn đạt trọng lượng 50kg đã bán rồi.
Anh Nguyễn Phong (35 tuổi, chủ trang trại tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) cho biết, hiện tại đang nuôi 350 con lợn thịt, lợn nái 30 con. “Gần đây nghe tin đã có dịch ở hai xã bên cạnh tôi rất lo lắng. Tôi nhờ thú y cũng như kinh nghiệm của bản thân để phòng dịch. Tôi phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực trang trại định kỳ hàng ngày, rồi sử dụng thức ăn đã qua xử lý để đảm bảo vệ sinh; mong mọi sự được bình yên”.
Cấp bách ngăn chặn
Hiện nay, các cấp, các ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, khống chế dịch. Toàn tỉnh đã phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện “5 không” gồm không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín để nuôi lợn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thừa Thiên - Huế cũng đã phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp, tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng (từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã dùng 30.029 lít hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để thực hiện công tác này -PV). Đối với vùng dịch và vùng bị uy hiếp thì phải vệ sinh tiêu độc với tần suất 1 tuần/lần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có dịch.
Đồng thời, lập 47 chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc phương tiện đi vào vùng dịch; nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ gia đình cũng như các trang trại.
Được biết ngày 11/4/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định 917/QĐ-UBND về quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 38 ngàn đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện giá lợn hơi trên thị trường đang ở mức giá 27-30 nghìn đồng/kg nên UBND tỉnh đang nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với giá hiện thời.
Ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Công tác ngăn chặn sự phát bệnh DTLCP đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt. Tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi nếu phát hiện đàn lợn có dấu hiệu khác thường lập tức báo cho các cơ quan chức năng, địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và có các giải pháp xử lý.
Tránh để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời tránh gây hoang mang cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho dân nếu không may lợn bị dịch”.