Thừa Thiên Huế đón nhận bằng của UNESCO công nhận những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng là di sản tư liệu khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều ngày 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới và công bố hoàn thành dự án “bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa”.
Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu thế giới.
Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu thế giới.

Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới và công bố hoàn thành dự án “bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” tại Huế có sự tham dự của ông Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Vân - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, quan khách và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Trước đó vào ngày 08/05/2024 tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan điện Thái Hòa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan điện Thái Hòa

Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hoá của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 08 di sản được UNESCO công nhận

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn; là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945). Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Cửu Đỉnh - di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Cửu Đỉnh - di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bên cạnh đó, Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003). Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế - nơi mà công tác bảo tồn di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. 30 năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này.

Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, với UNESCO và Việt Nam - một quốc gia thành viên quan trọng của UNESCO, chính là công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới của chúng ta.

“Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng chính là các vấn đề của thế giới hiện đại khiến chúng ta phải tích cực hơn, như tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, đồng thời tối ưu hóa phúc lợi cho người dân. Để làm được những điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ sống trong và xung quanh di sản này”- Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Nghi thức động thổ công trình tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh.

Nghi thức động thổ công trình tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh.

Tại sự kiện hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đã tiến hành nghi thức khánh thành điện Thái Hòa trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu, quan khách và du khách tham quan.

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham dự lễ động thổ công trình Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh - một di tích tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804, là nơi vua làm việc hàng ngày và là nơi tổ chức Lễ Thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng; nơi tổ chức các lễ Nguyên Đán, Vạn Thọ Đại khánh cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ.

Tháng 2/1947, ngôi điện bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại phần nền móng. Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu, đặc biệt từ giai đoạn từ năm 2000 đến 2024, công cuộc Nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tư liệu có giá trị từ các thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, các chuyên gia của UNESCO và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, công cuộc nghiên cứu đã có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục hồi ngôi điện quan trọng này.