Thừa Thiên Huế khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở do mưa lũ

(PLVN) - Do ảnh hưởng mưa lớn trên diện rộng những ngày qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện 37 điểm sạt lở tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, tổ chức khắc phục hậu quả của thiên tai.
Sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49 qua địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cụ thể, tại huyện Phú Lộc xuất hiện 25 điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn- Túy Loan và các điểm sạt lở ven bờ biển Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền.

Đối với đoạn Quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân bị sạt lở, lực lượng chức năng đã khắc phục xong ngày 15/10, đảm bảo thông tuyến qua hầm đèo Hải Vân. Đoạn Km 901 trên đèo Hải Vân bị sạt lở khoảng 1.000m3 đất đá với chiều dài 60m đã khắc phục một phần, các phương tiện mô tô đã di chuyển được. Đoạn đường sắt tại đèo Hải Vân bị đất đá vùi lấp với chiều dài khoảng 30m ngành đường sắt đang khắc phục.

Đặc biệt tại tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình bị sạt lở với khối lượng khoảng 6.100m3 đất đá vùi lấp tại 19 điểm, đến nay Công ty CP đường bộ 1 tỉnh đã khắc phục xong 19/19 điểm, thông tuyến quốc lộ này. Ngoài ra, bờ biển qua các xã Giang Hải, xã Vinh Mỹ, Vinh Hiền bị xâm thực, xói lở với tổng chiều dài 1,4km, hiện các địa phương phối hợp lực lượng chức năng gia cố tạm thời, ngăn sạt lở thêm.

Sạt lở vùi lấp nhà dân ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (ảnh B. Trí).

Trên địa bàn huyện Nam Đông cũng có 4 điểm sạt lở tại đèo Ka Tư và đường liên thôn Phú Nam, Đa Phú, xã Hương Phú với khoảng 100m3 đất đá, chiều dài khoảng 600m hiện đã khắc phục xong.

Tại địa bàn huyện A Lưới có 7 điểm sạt lở: Km75+200 QL49, xã Sơn Thủy; Km57+700, Km61+300, Km64+300 QL49A, xã Hồng Hạ; dốc A Năm, Km365 (đường Hồ Chí Minh), xã A Roàng; Km48 QL49A, xã Hương Nguyên; Km313-315 đường Hồ Chí Minh, xã Hồng Thủy bị đất đá tràn lấp mặt đường với chiều dài sạt lở khoảng 160m hiện đã khắc phục.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, phòng chống ngập úng đô thị.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Đọc thêm