Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết những tiềm năng, lợi thế chung và những đặc trưng riêng của Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Thừa Thiên Huế đã từng là đô thị cấp Quốc gia và của khu vực. Ngày nay, Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phải kể đến như hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 22 nghìn ha, vườn quốc gia Bạch Mã, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô,...
|
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế. |
Đô thị Huế đã hình thành được không gian riêng. Ở khu vực phía Bắc của sông Hương, lấy Kinh thành Huế làm trung tâm và các khu vực phụ cận đi kèm để tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của nhân loại. Còn khu vực phía Nam là đô thị xanh, hiện đại là trung tâm hành chính, kinh tế, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, đầu mối giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đô thị Huế còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên và đang từng bước hình thành, phát triển về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Sự khác biệt trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế so với một số thành phố trực thuộc Trung ương hiện hành thể hiện Thừa Thiên Huế sẽ không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, không quá tập trung “nóng” vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp. Mà ngược lại, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ để phát triển.
Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông nhìn nhận Thừa Thiên Huế phải đối mặt với những thách thức nào?
- Trước hết, Thừa Thiên Huế được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”... Quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản. Làm sao đó để giữ được các thương hiệu mà thành phố đã dày công xây dựng.
|
Thừa Thiên Huế được biết đến là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. |
Thứ hai, tỉnh có diện tích tự nhiên tương đối lớn với gần 5 nghìn km2 và để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 lên đến gần 180 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ (chiếm 17%). Vốn doanh nghiệp và dân cư khoảng 60 nghìn tỷ (chiếm 33%). Thế nhưng, bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn thì việc huy động các nguồn lực đầu tư trở thành thách thức rất lớn.
Thứ ba, việc phải bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư. Thực tế, gần đây tỉnh đã từ chối nhiều dự án công nghiệp lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án thương mại có nguy cơ phá vỡ cảnh quan.
Hơn nữa nhu cầu vốn trùng tu, bảo tồn di tích hằng năm trên địa bàn tỉnh khá cao, trên 1.000 tỷ đồng/năm. Trong khi thu ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn và nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác còn hạn chế.
Thứ tư, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa có ngành kinh tế dẫn dắt. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế chưa tự cân đối được ngân sách.
Và cuối cùng là tỉnh nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt và nó đã tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững. Đó là thách thức lớn để tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng cũng như bố trí, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Xin ông cho biết đâu là trụ cột nền kinh tế của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới?
- Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vì Huế một trong những địa bàn trọng điểm du lịch của miền Trung và Tây Nguyên. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Thừa Thiên Huế sẽ tiếp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Tiếp tục tổ chức Festival Huế theo hướng trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ.
|
Với nhiều ưu thế, Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn |
Tỉnh sẽ phát triển cơ sở lưu trú, thời gian không xa sẽ đạt từ 40 đến 50 nghìn phòng. Ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế gắn với các dịch vụ sân golf.
Đặc biệt, hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương, khu du lịch quốc gia trên đầm phá, nước khoáng nóng Thanh Tân. Đầu tư nhà ga đón tàu du lịch biển tại Cảng Chân Mây. Nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn 2 lên 9 triệu hành khách/năm.
Hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tham gia vào chuỗi công viên phần mềm rồi khu công nghệ cao quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ.
Còn công nghiệp thì cơ cấu theo hướng tận dụng lợi thế của từng địa phương. Ngoài ra sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, sản xuất, lắp ráp ô tô và sử dụng sản phẩm chế biến sâu silicat (thạch anh) để sản xuất sản phẩm mới. Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp hóa dược và thiết bị y tế cũng sẽ được chú trọng.
Còn nông nghiệp thì phải phát triển toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại toàn ngành theo hướng sản xuất hàng hoá, theo chuỗi giá trị. Ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Vậy người dân sẽ hưởng lợi được gì khi tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương?
- Là người dân của tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi cũng như các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm luôn đặt câu hỏi này trước khi đề ra mục tiêu chính trị phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Và sau khi đã có thể tự tin trả lời câu hỏi đó, chúng tôi mới có thêm động lực, thôi thúc hành động. Câu hỏi này, tôi xin chia sẻ như sau:
Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giúp khôi phục lại vị thế đã có của tỉnh nhà, phục hồi lại văn hóa của đô thị xưa và hình thành, xây dựng đô thị hiện nay. Tiếp tục thực hiện trọng trách của cả nước trong gìn giữ những bản sắc văn hóa của kinh đô, nhiều giá trị chuẩn mực của những con người đất thần kinh, đó là tinh hoa của nhân loại.
|
Thừa Thiên Huế phát triển đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” |
Khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên Huế phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của trung ương. Vì thế, sẽ tập trung nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, thiết chế văn hóa xã hội, thiết chế đô thị, giao thông kết nối, công trình công cộng. Làm những điều này sẽ giúp người dân được thụ hưởng nhiều thứ tốt đẹp.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế được Bộ Chính trị định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Huế cũng sẽ là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Chính vì vậy, Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Qua đó, thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế gắn liền với hoạt động dịch vụ, giúp người dân nhanh chóng nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn có tiềm lực đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lắp đầy các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,... Từ đó kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi và đời sống nhân dân chắc chắn sẽ được cải thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!