Quyết tâm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

(PLVN) - Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn được người dân quý mến vì phong cách làm việc xông xáo, cởi mở và gần dân. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ông Phan Ngọc Thọ đã có những chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua cũng như định hướng phát triển sắp tới của tỉnh nhà.
Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn: “Thứ nhất, dân sống sung túc hơn. Thứ 2, xã hội bình yên và thứ 3, chính quyền thân thiện hơn để người dân hài lòng”.
Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn: “Thứ nhất, dân sống sung túc hơn. Thứ 2, xã hội bình yên và thứ 3, chính quyền thân thiện hơn để người dân hài lòng”.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020?

- Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,3 - 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.100 USD, đứng thứ 3 của Vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 105.180 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 3,75%/năm.

Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân của cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác bảo vệ môi trường được tăng cường. 

Quốc phòng, an ninh được được giữ vững. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được quan tâm; bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở những thành tựu đó, ông rút ra được bài học gì trong công tác chỉ đạo, điều hành?

- Bài học rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành đó là: Phải nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu; giải quyết hợp lý, hợp tình, dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại. 

Đổi mới tư duy, trong đó bao gồm tư duy về phát triển, tư duy về huy động nguồn lực, tư duy phục vụ và tư duy về chuyển đổi số. Đối với tư duy phát triển, giữ vững mục tiêu nhanh và bền vững, lấy sự khác biệt làm thế mạnh trong hợp tác và cạnh tranh phát triển. Đối với tư duy huy động nguồn lực, xem sự đổi mới và sáng tạo là nguồn lực vô tận để tạo ra sự đột phá, khơi dậy lòng tự hào và sự đồng thuận trong dân là sức mạnh bền lâu. 

Đối với tư duy phục vụ đó là chuyển mạnh từ tư duy hành chính “xin - cho” sang tư duy “phục vụ” trong hoạt động của cơ quan nhà nước, lấy sự hạnh phúc, hài lòng của người dân là mục tiêu của công việc, của hành động; cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân  và chính quyền hướng tới xây dựng chính quyền “Phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả”. 

Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh thông thoáng, công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng CNTT, hướng tới môi trường “Làm việc không giấy tờ; họp hành không tập trung; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt”.

Tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy ý thức, lòng tự hào về quê hương, khát khao cống hiến trong các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, bình đẳng, bác ái và thực hiện các phong trào “Làm cho Huế đẹp hơn”, “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng”, “Nói không với túi nilon sử dụng một lần”, “Huế  - 4 mùa hoa”...

Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng vẫn chưa tạo được cú hích mạnh. Tỉnh sẽ có những giải pháp đột phá, cụ thể nào để thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?

- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một trong những khu kinh tế ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật.

Có vị trí địa chính trị thuận lợi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây. Với các lợi thế đó, từ khi được thành lập đến nay, Khu kinh tế đã thu hút được 48 dự án đầu tư, vốn đăng ký 80.000 tỷ đồng.

Hiện tại, trên địa bàn Khu kinh tế có 22 dự án đi vào hoạt động (chiếm 46%), vốn đầu tư thực hiện khoảng 16.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động, doanh thu năm 2019 khoảng 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng. 

Đô thị Huế đang phát triển nhanh, bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường.
Đô thị Huế đang phát triển nhanh, bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường. 

Từ năm 2016, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý tiến hành rà soát, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến; đến nay đã tiến hành chấm dứt hoạt động 18 dự án với vốn đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 730ha.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng công khai, minh bạch danh sách, thông tin dự án kêu gọi đầu tư và các tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như: đô thị, logistics, cảng biển, công nghiệp phụ trợ.

Thứ hai, xác định công tác quy hoạch là cơ sở, là tiền đề quan trọng để thu hút các dự án đầu tư.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục cho nhà đầu tư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, để chuẩn bị đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các quốc gia trên thế giới, Khu kinh tế cũng như các KCN của tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải…

Thứ năm, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp nghề để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp khi vào đầu tư.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có ý nghĩa quyết định sự phát triển của Thừa Thiên - Huế trong những năm tới. Xin ông cho biết những chương trình trọng điểm nào mà tỉnh cần tập trung chỉ đạo?

- Vào ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo ra những tiền đề, định hướng quan trọng để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Trong những năm đến, tình hình thế giới, trong nước vừa có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Vì thế, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt, năng động, sáng tạo để phát triển Thừa Thiên - Huế nhanh, bền vững hơn, bản sắc hơn trong giai đoạn tới. 

Mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Trong đó tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm sau: Chương trình phát triển đô thị; Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Để thực hiện tốt mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân sẽ chủ động, nhạy bén nắm bắt thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của địa phương. Với quyết tâm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm