Thua thiệt vì thiếu hiểu biết tập quán thương mại

Trong mua, bán nội địa và quốc tế, việc thiếu hiểu biết các tập quán thương mại nhiều khi dẫn tới hậu quả hết sức nặng nề. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) Việt Nam về việc này là hết sức cần thiết.


Trong mua, bán nội địa và quốc tế, việc thiếu hiểu biết các tập quán thương mại nhiều khi dẫn tới hậu quả hết sức nặng nề. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) Việt Nam về việc này là hết sức cần thiết.

Những bài học đắt giá

Cách đây 4 năm, 4 DN tại TP.HCM và một DN tại Hà Nội liên kết nhập một lô hàng thức ăn chăn nuôi trị giá 1,4 triệu USD. Khi còn 3 ngày nữa tàu cập cảng Việt Nam thì bị Interpol bắt giữ tại Malaysia với lý do là tàu đang bị đánh cắp và đang bị tranh chấp về việc ai là chủ sở hữu tàu đích thực. Khi xảy ra sự cố, phía Việt Nam đứng trước các lựa chọn: đòi bảo hiểm, hoặc phía người bán bồi thường; kiện chủ tàu đòi bồi thường; hoặc thuê tàu khác chở tiếp hàng về Việt Nam.

Tuy nhiên, oái oăm là cả ba trường hợp trên đều không thực hiện được vì các điều khoản miễn trừ của quy định quốc tế, còn thuê tàu chở hàng tiếp về Việt Nam lại quá tốn kém do các chi phí chống ô nhiễm môi trường của nước sở tại. Cuối cùng, phía bán hàng nhân nhượng hỗ trợ  0,5 triệu USD và bên mua chịu lỗ 0,9 triệu USD. Đây là bài học đắt giá vì làm ăn với nước ngoài mà thiếu hiểu biết về luật pháp hoặc tập quán làm ăn.

Luật sư Võ Ngọc Thăng - Trọng tại viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Một trường hợp tranh chấp xảy ra nữa khi một thương nhân nước ngoài mua một lô hàng gốm sứ nghệ thuật của một DN phía Bắc. Phía bên mua đề nghị theo điều kiện FCA  Incoterms 1990, nhưng phía bán cứ khăng khăng đòi bán theo điều kiện FOB, rốt cuộc phía bên mua chấp nhận theo điều kiện của bên bán. Khi hàng từ bãi container để xếp lên tàu, xe tải bị nghiêng, làm cho một số món bị vỡ. Người mua đề nghị bồi thường, bên bán từ chối đổ thừa lỗi của người vận tải. Bên mua nói, vì giao hàng theo điều kiện FOB nên phía bán chỉ được miễn trách nhiệm khi hàng đã giao qua mạn tàu, sau đó bên bán phải chịu bồi thường.

Làm ăn với “Tây” phải biết Incoterms

Theo luật sư Võ Ngọc Thăng - Trọng tại viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – trong các hợp đồng mua bán, việc sử dụng Incoterms làm nguồn tham chiếu cơ bản là điều rất cần thiết. Incoterms  không đề cập tới giá hàng, quy cách phẩm chất bao bì, đóng gói; phương thức thanh toán; khi nào quyền sở hữu chuyển từ người bán sang người mua; nguồn luật áp dụng, cơ chế giải quyết tranh chấp; hậu quả của việc vi phạm hợp đồng mà chỉ phân chia rủi ro giữa hai bên trong vấn đề giao hàng. Ông lưu ý, Incoterms không phải là văn bản luật mà chỉ là những khuyến nghị dưới dạng tập quán thương mại phổ biến trên toàn thế giới, chỉ có giá trị khi các bên tự nguyện áp dụng và ghi rõ trong hợp đồng. Cần ghi rõ, đúng và đủ Incoterms nào đang có hiệu lực hay không.

Hiện nay, trong thương mại quốc tế, có 8 bộ Incoterms được ban hành, từ Incoterms 1936, Incoterms  1953, Incoterms 1967, Incoterms 1976, Incoterms 1980, Incoterms 1990, Incoterms 2000 và mới nhất là Incoterms 2010; trong đó Incoterms mới nhất là Incoterms 2010 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2011. Các DN cần hiểu rõ và tham chiếu bộ Incoterms này để tránh thiệt hại không đáng có.

Trở lại hai trường hợp thiệt hại có thực xảy ra nêu trên, luật sư Võ Ngọc Thăng cho biết, chỉ cần hiểu biết các tập quán phổ biến và ghi rõ ràng, cụ thể vào trong hợp đồng các quy tắc của Incoterms, phía DN nước ta sẽ không phải chịu thiệt hại như vậy.

Ngọc Quý

Đọc thêm