Tồn tại thành kiến cơ bản đối với phụ nữ
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới. Tuy nhiên, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỉ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao. Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua)...
Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến định kiến giới, bất bình đẳng giới dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm chấp nhận của phụ nữ. Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm rằng, chồng/bạn trai có quyền được ra quyết định, có quyền được đánh vợ. Số liệu thống kê cho thấy, 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ nam giới, chứ không phải phụ nữ, phải là người ra quyết định và là chủ gia đình. Phụ nữ ở khu vực nông thôn đồng tình với quan điểm này nhiều hơn hẳn so với phụ nữ ở thành thị. Tỷ lệ chung phụ nữ đồng tình với quan điểm này không thay đổi kể từ năm 2010, mặc dù nhóm phụ nữ trẻ hơn ít đồng tình với quan điểm này hơn.
Trên thế giới, theo một báo cáo của Liên Hợp quốc công bố ngày 12/6/2023, việc thúc đẩy bình đẳng giới không đạt được tiến bộ trong thập niên qua, khi những thành kiến văn hóa tiếp tục cản trở việc trao quyền cho phụ nữ và khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu của Liên Hợp quốc về bình đẳng giới vào năm 2030. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã theo dõi vấn đề này thông qua Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới vốn sử dụng dữ liệu của chương trình nghiên cứu quốc tế Khảo sát giá trị thế giới (WVS).
WVS thu thập dữ liệu từ năm 2010 - 2014 và từ năm 2017 - 2022 tại các quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm 85% dân số toàn cầu. Kết quả khảo sát cho thấy gần 9/10 người, bao gồm cả nam giới và nữ giới, có thành kiến cơ bản đối với phụ nữ và tỷ lệ người có ít nhất 1 định kiến hầu như không thay đổi trong thập niên qua. Tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, tỷ lệ người có ít nhất 1 thành kiến với phụ nữ chỉ giảm từ 86,9% xuống 84,6%. Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng gần 50% dân số trên thế giới cho rằng nam giới lãnh đạo chính trị tốt hơn, trong khi 43% cho rằng nam giới điều hành doanh nghiệp tốt hơn...
Duy trì hành động để thu hẹp khoảng cách giới
Tháng 9/2023, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cùng Cơ quan Liên Hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội vừa công bố Báo cáo về “Tiến triển về các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Thực trạng về Giới năm 2023”. Theo đó, Báo cáo cho thấy nếu việc thúc đẩy bình đẳng giới vẫn tiếp tục không đạt được tiến bộ, thì hơn 340 triệu phụ nữ và trẻ em gái, tương đương khoảng 8% dân số nữ trên thế giới, sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và gần 25% sẽ đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng. Cũng theo báo cáo, bất bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý vẫn tồn tại. Với tốc độ tiến bộ như hiện nay, thế hệ phụ nữ tiếp theo sẽ vẫn dành thời gian cho việc nhà và chăm sóc gia đình mà không được trả lương, nhiều hơn trung bình 2,3 giờ/ngày so với nam giới.
Theo Báo cáo, thế giới cần đầu tư thêm 360 tỷ USD/năm để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, hướng tới các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng vào năm 2030. Từ đó, Báo cáo kêu gọi các nước có cách tiếp cận thống nhất và toàn diện, cần hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan, duy trì nguồn tài trợ và hành động chính sách để thu hẹp khoảng cách về giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng ở cả nông thôn, thành thị, ở tất cả các vùng, miền. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng về giáo dục vẫn còn tồn tại khi tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và THCS thấp hơn học sinh nam, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ lệ tử vong sản phụ còn cao so với một số nước trong khu vực...
Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới và thực tế cho thấy, một trong những giải pháp hiệu quả là tăng cường truyền thông về nhận thức và chính sách. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Vì thế, để tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường: giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
Còn nhớ, khóa tập huấn “Thanh, thiếu niên và bình đẳng giới” diễn ra tháng 4/2023 tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ tổ chức là lần đầu tiên 40 thanh, thiếu niên biết đến một số khái niệm cơ bản liên quan đến bình đẳng và bình đẳng giới, cũng như nhận diện được các định kiến và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong bản thân mình, gia đình và cộng đồng. Em H.Đ.H. chia sẻ: “Trước đây, em cứ nghĩ bình đẳng giới là vì lợi ích của phụ nữ mà thôi. Giờ em đã hiểu là bình đẳng giới sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho cả nam và nữ”. “Khóa tập huấn đã giúp em nhận ra rằng, trước một vụ bạo lực gia đình, chúng em sẽ cần lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng, chứ không phải chỉ im lặng và đứng nhìn”, em L.Q.H. cho biết.
Các thanh, thiếu niên thông qua hoạt động tập huấn, truyền thông đã đạt được nhận thức rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và bản thân mình phải là người thay đổi đầu tiên và cần bắt đầu từ ngày hôm nay, trước khi đi vận động những thanh, thiếu niên khác và cộng đồng cùng thay đổi. Từ đó, rất nhiều giải pháp đã được các thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số đưa ra để giúp cho việc nhận diện và xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong chính cộng đồng đang sinh sống.