Rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của nông nghiệp và giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành nghị định (Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ); Giảm lãi suất đối với khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp… NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, NHNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định về hoạt động cấp tín dụng, tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD), thanh toán, sản phẩm dịch vụ ngân hàng,… theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng cung ứng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Song song đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng nói chung cũng như tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao; thường xuyên chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng…
Bổ sung chính sách thúc đẩy tín dụng nông nghiệp
Theo ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để tạo điều kiện cho loại hình mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển, nhiều quốc gia đã xây dựng chiến lược tổng thể, tập trung nguồn lực và kêu gọi sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành có liên quan; đồng thời ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ (trong đó bao gồm các chính sách hỗ trợ về nguồn lực tài chính). Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch khá đa dạng và được triển khai dưới nhiều hình thức.
Đại diện NHNN cũng cho biết, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó có chính sách cho vay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp) theo nghị định hiện hành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Triển khai một số chương trình cho vay như chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình cho vay phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng nhằm khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo NHNN, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cũng cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của NHNN, kết quả cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay đạt gần 27 nghìn tỷ đồng với trên 9.600 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng (doanh số năm 2022 khoảng 15 nghìn tỷ đồng, năm 2023 trên 20 nghìn tỷ đồng).