Thúc đẩy điện ảnh xanh góp phần bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, nhiều nhà sản xuất phim đã nỗ lực để sản xuất những bộ phim có nội dung xanh, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng và tổ chức phi chính phủ cũng dành sự quan tâm và hỗ trợ cho việc phát triển dòng phim đặc biệt này. Tuy nhiên, số lượng của các tác phẩm “điện ảnh xanh” vẫn còn hạn chế vì phải đối mặt với nhiều thách thức.
Phim ngắn “Chim trời kêu cứu”. (Nguồn: Ảnh cắt từ phim)

Phim ngắn “Chim trời kêu cứu”. (Nguồn: Ảnh cắt từ phim)

Thông điệp xanh đến từ điện ảnh

Ngày 17/7/2024, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã công chiếu bộ phim ngắn mang tên “Chim trời kêu cứu”, nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã. Phim phơi bày những khoảnh khắc ám ảnh và tàn nhẫn về vấn nạn tận diệt chim trời. Từ những chiếc bẫy “thiên la địa võng” cho đến hình ảnh hàng trăm chú chim trời bị giết thịt, tất cả đều tái hiện lại những cuộc tàn sát chim trời thảm khốc. Dù chỉ là một lát cắt nhỏ của thực trạng tận diệt chim trời đầy nhức nhối đang diễn ra nhưng thước phim đã khiến người xem không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Tuần lễ Phim Quốc tế về Thiên nhiên lần thứ hai mang chủ đề “Thiên nhiên thì thầm - Nảy mầm hành động” đã được Keep Vietnam Clean tổ chức tại 10 địa điểm chiếu phim trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới trẻ với 9 bộ phim tài liệu mang đến các câu chuyện đa dạng về phát triển bền vững. Tuần lễ phim cung cấp cho khán giả cơ hội tiếp cận gần hơn tới những câu chuyện, có góc nhìn mới mẻ trong công cuộc phát triển bền vững, cùng mục tiêu truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, thôi thúc hành động tích cực vì một tương lai xanh, các hành động sống xanh, hài hòa với thiên nhiên.

Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về môi trường, xu hướng “điện ảnh xanh” cũng vì thế mà ngày càng nở rộ. Việc sử dụng nghệ thuật điện ảnh để truyền tải các thông điệp về bảo vệ môi trường không chỉ mang tính giáo dục mà còn có thể thay đổi nhận thức, hành vi của công chúng. Điện ảnh, với cách truyền tải thông điệp hiện đại, mới mẻ sẽ dễ dàng được công chúng đón nhận và có ấn tượng sâu sắc. Những bộ phim về môi trường không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn là công cụ mạnh mẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Hướng đi nào cho “điện ảnh xanh” của Việt Nam?

Hiện nay, nhìn vào nền điện ảnh thế giới đã có nhiều dòng phim riêng về môi trường, thậm chí yếu tố này còn được lồng ghép khéo léo vào trong các bộ phim “bom tấn”. Có thể kể đến như Rio (bộ phim hoạt hình lấy cảm hứng từ giống vẹt xanh đuôi dài đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên), Aquaman 2 (mượn sức mạnh siêu nhiên để nói về các thiên tai, thảm hoạ thiên nhiên hay hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng dần, băng tan),…

Còn tại nền điện ảnh Việt, những năm qua, nhiều nhà sản xuất phim đã nỗ lực để sản xuất những bộ phim có nội dung xanh, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng và tổ chức phi chính phủ cũng dành sự quan tâm, hỗ trợ cho việc phát triển dòng phim đặc biệt này. Tuy nhiên, số lượng của các tác phẩm “điện ảnh xanh” còn hạn chế hay nói cách khác chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Dù đã có nhiều bước tiến nhưng sự thật là phim về đề tài môi trường ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả hay mang phim ra rạp chiếu thương mại. Một phần nguyên nhân đến từ thị hiếu phim của khán giả Việt, trong khi các bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao, mang ý nghĩa và thông điệp sâu sắc thường ít được người xem quan tâm, thì những phim hài nhảm hay tình cảm sến súa lại luôn gây được sự chú ý và cháy vé.

Cũng vì thế mà các bộ phim về môi trường được làm theo hướng độc lập, tập trung nói về môi trường chứ không có yếu tố khác như hiện nay chỉ có thể thu hút số ít khán giả. Thách thức đặt ra là cân bằng giữa việc truyền tải thông điệp môi trường một cách hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm tính thương mại để thu hút đủ lượng khán giả cần thiết. Điều này cũng làm các nhà sản xuất phim e dè, không dám đầu tư vào dòng phim môi trường, do lo ngại về khả năng thu hút khán giả và lợi nhuận.

Để thúc đẩy “điện ảnh xanh” tại Việt Nam có lẽ cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng cũng như sự quan tâm từ công chúng. Chỉ khi có sự thay đổi trong thị hiếu xem phim của khán giả cũng như sự hỗ trợ hợp lý từ các bên liên quan, “điện ảnh xanh” mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Hy vọng rằng trong tương lai, ngành Điện ảnh Việt Nam sẽ mang đến những tác phẩm phim hấp dẫn, truyền tải những thông điệp đẹp, ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Đọc thêm