Khi nghệ thuật 'lên tiếng' vì môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, các dự án nghệ thuật vì môi trường, nghệ thuật sinh thái có xu hướng nở rộ tại Việt Nam. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người đối với các vấn đề quan trọng của môi trường như rác thải, ô nhiễm…
Khách tham quan chăm chú nghe chia sẻ về nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển. (Ảnh: PV)
Khách tham quan chăm chú nghe chia sẻ về nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển. (Ảnh: PV)

“Tiếng nói” của nghệ thuật

Ngày 15/06/2024, lần đầu tiên tại Việt Nam, 1.001 con rùa biển bằng gốm với những tạo hình, màu sắc khác nhau đã xuất hiện trong triển lãm “Phiêu” của nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà. Một bãi biển thu nhỏ ngay giữa lòng Thủ đô, nơi tái hiện hành trình phiêu lưu của rùa biển từ khi sinh ra đến khi được hòa mình vào đại dương đã thu hút đông đảo khách tham quan bởi tính độc đáo riêng có.

Đáng nói, “Phiêu” không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, cùng sự bảo trợ chuyên môn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), “Phiêu” gửi đi thông điệp về sự cần thiết chung tay bảo tồn các loài rùa biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Nói về con số 1.001, nghệ sĩ Cao Thanh Thà cho biết, tỷ lệ sống ngoài tự nhiên của loài rùa biển rất thấp, chỉ 1/1.000, tức 1.000 cá thể rùa nhỏ sinh ra chỉ có 1 con duy nhất sống sót được đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, nghệ sĩ Cao Thanh Thà mong muốn thông qua triển lãm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các đặc tính của loài rùa biển, về nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển, qua đó kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ loài sinh vật này, cũng như môi trường biển nói chung.

Với chung một khát vọng bảo vệ môi trường, vào tháng 04/2024, triển lãm tranh “Chạm một nét hoa” thuộc khuôn khổ dự án 4V for "Vải" for VietNam (4V Việt Nam) đã được khai mạc. Triển lãm có sự tham gia của hơn 30 họa sĩ đến từ khắp nơi trên cả nước, mỗi người đã tạo ra một bức họa sử dụng toàn bộ nguyên liệu từ vải vụn ghép lại trên toan tranh tái chế. Từng đường nét được khắc họa một cách tỉ mỉ, thể hiện góc nhìn đa chiều thú vị.

Các tác phẩm không chỉ thể hiện tính nghệ thuật mà còn mang thông điệp lan tỏa ý nghĩa và tinh thần của việc sử dụng những vật liệu có thể tái chế như vải vụn, qua đó, giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải trong ngành công nghiệp dệt may đến môi trường. Được biết, đây là triển lãm thứ hai do dự án 4V for "Vải" for VietNam thực hiện với sứ mệnh tái chế các loại vải vụn, vải thừa của những nhà máy tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội, ghép lại thành những tấm voan vừa phục vụ cho nghệ thuật, vừa cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy nghệ thuật đồng hành bảo vệ môi trường

Trong công cuộc bảo vệ môi trường, không thể phủ nhận việc tuyên truyền qua các tác phẩm nghệ thuật là một giải pháp hữu hiệu, giúp các thông điệp trở nên mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp hơn. Bởi lẽ lăng kính nghệ thuật là một cách tiếp cận đầy sáng tạo, thông qua ngôn ngữ đa dạng, sinh động, cộng đồng có thể cảm nhận sâu sắc hơn về các vấn đề, cũng như truyền cảm hứng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, dù đã có nhiều nghệ sĩ tiên phong sáng tạo tác phẩm lấy cảm hứng từ vấn đề môi trường, song đến nay số lượng vẫn như “muối bỏ bể”. Thực tế cho thấy, các nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng các hoạt động sáng tạo liên quan đến môi trường thường chỉ tập trung vào 1 - 2 lĩnh vực như nhiếp ảnh, tạo hình,… Trái lại, các lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, văn chương thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cũng vì vậy nên tác động của nghệ thuật đến công cuộc bảo vệ môi trường chưa thực sự rõ nét, phong phú và còn khá mờ nhạt.

Nhận định về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của IUCN tại Việt Nam cho rằng, để kêu gọi sự tham gia của các nghệ sĩ, có thể bắt đầu từ chính các dự án nghệ thuật về môi trường đã, đang và sẽ xuất hiện trong tương lai, như triển lãm “Phiêu” khi khai mạc và được truyền thông đưa tin cũng là một cách tiếp cận khiến nhiều nghệ sĩ quan tâm hơn về vấn đề này. Bà đồng tình với ý kiến khi truyền đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật có lẽ sự cảm nhận của cộng đồng sẽ nhiều hơn và rộng hơn.

“Trước mắt phải để mọi người cảm nhận và suy nghĩ về vấn đề bảo vệ môi trường, rồi sau đó mới tới hành động cụ thể. Do đó, chúng tôi hy vọng qua các dự án sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ cùng chung tay để lan tỏa các thông điệp”, bà Bùi Thị Thu Hiền bày tỏ.

Quả thật, trong thời đại mà vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên ngày càng cấp bách, sự tham gia và góp sức của giới nghệ sĩ vô cùng cần thiết. Để nghệ thuật có thể đóng góp một cách hiệu quả vào công cuộc trên, cần tạo điều kiện và khuyến khích nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động sáng tạo liên quan. Đồng thời, nghệ sĩ cần được cung cấp kiến thức, tài nguyên và nền tảng hỗ trợ để họ có thể triển khai những ý tưởng sáng tạo có tác động đến môi trường, xã hội. Việc này không chỉ giúp lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường rộng rãi hơn mà còn thúc đẩy nhận thức và hành động tích cực từ cộng đồng. Hãy để mỗi tác phẩm nghệ thuật như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người đối với hành tinh và những loài sinh vật sống trên đó.

Đọc thêm