Thúc đẩy hợp tác Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả

(PLVN) - Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch QH (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 8/12. Ngay sau lễ đón chiều 10/12, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tiến hành hội đàm.
Hình ảnh tại hội đàm. Ảnh: Quochoi
Hình ảnh tại hội đàm. Ảnh: Quochoi

Tại Hội đàm, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko khẳng định coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Matvienko tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Nga ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Nga, coi đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại, mong muốn thúc đẩy hợp tác Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, phát triển toàn diện, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai nước.

Chủ tịch QH khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ to lớn và sự giúp đỡ quý báu mà nước Nga đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay; đồng thời cho biết nhiều người Việt Nam từng học tập ở nước Nga trước đây đã trở thành các nhà lãnh đạo chủ chốt và cán bộ đầu ngành của Việt Nam.

Hai Chủ tịch cũng nhau trao đổi sâu rộng về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư và vai trò của QH 2 nước trong việc thực hiện các dự án, chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước cũng như đề xuất các phương hướng hợp tác mới. 

Ghi nhận, hợp tác trong các lĩnh vực này thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, kim ngạch thương mại 2 chiều 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD, 2 nhà lãnh đạo QH cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng và có thể khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan Nghị viện 2 nước thúc đẩy các cơ quan hữu quan mở rộng cấp phép cho doanh nghiệp 2 nước được xuất khẩu nông, thủy hải sản trên cơ sở có đi có lại, phù hợp với thỏa thuận song phương đạt được, tiến tới công nhận tương đương nông thủy sản của nhau, cũng như các mặt hàng khác.

Hai nhà lãnh đạo QH cũng nhất trí cho rằng hợp tác năng lượng, đặc biệt là dầu khí, tiếp tục là trụ cột quan trọng nhất của hợp tác Việt - Nga. 

Việt Nam đánh giá cao hoạt động hiệu quả của các công ty dầu khí 2 nước trên lãnh thổ của nhau, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí Nga mở rộng hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa và ngoài khơi Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thống nhất thúc đẩy hợp tác du lịch 2 nước khi lượng du khách Nga đến Việt Nam và Việt Nam đến Nga đều tăng mạnh.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn các nhà Lãnh đạo Nga luôn quan tâm, hỗ trợ để cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn hợp pháp trên lãnh thổ Nga, hòa nhập với sở tại; đề nghị QH 2 nước quan tâm, thúc đẩy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực, nhập cảnh của công dân Việt Nam vào Nga, xem xét, giải quyết khó khăn trong việc nhập cảnh của thuyền viên Việt Nam vào Nga trong lúc 2 Bên đang đàm phán Hiệp định đi lại của công dân 2 nước. 

Chính phủ 2 nước hiện đang đàm phán Hiệp định liên Chính phủ về tuyển chọn có tổ chức công dân Việt Nam sang làm việc trên lãnh thổ Nga.

Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch QH nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao lập trường của Nga về Biển Đông, theo đó ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của cá bên ở Biển Đông (COC). 

Đọc thêm