Thúc đẩy phát triển đường sắt liên vận Việt - Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua đường sắt đang ngày càng được đẩy mạnh. Năng lực vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng đường sắt được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tàu liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). (Ảnh: VNR)
Tàu liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). (Ảnh: VNR)

Hàng hóa vận chuyển qua đường sắt tăng mạnh

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực. Đây là kênh vận chuyển cho các DN hai nước trong công tác giao thương.

Đại diện VNR cho biết, hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu qua lại lẫn nhau bằng đường sắt đạt được những con số ấn tượng. Tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn), chỉ tính riêng tháng 11/2023, đã có 292 toa xe với 8.323 tấn hàng xuất, trong đó hàng từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc sang nước thứ ba đạt 1.636 tấn. Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, đồ gỗ, hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng... Chiều hàng nhập, có 378 toa xe, với hơn 12.900 tấn. Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, sắt thép, hóa chất, gia dụng...

Tại cửa khẩu đường sắt ga liên vận quốc tế Lào Cai, các đoàn tàu liên vận vận chuyển hàng từ Việt Nam xuất qua Trung Quốc gồm: lưu huỳnh, quặng sắt, linh kiện điện tử; hàng từ Trung Quốc nhập Việt Nam gồm phân bón, sắt thép, than cốc, sunfat amoni, pin năng lượng mặt trời, rau tươi...

Theo VNR, hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc có sản lượng vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm và trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều DN. Năm 2020, khối lượng vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 864 nghìn tấn, năm 2021 đạt hơn 1,1 triệu tấn và 2022 đạt gần 1,3 triệu tấn. Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế chung, nhưng dự kiến khối lượng hàng hóa vẫn đạt hơn 600 nghìn tấn. “Có được những kết quả này là do sự hợp tác chặt chẽ giữa đường sắt hai nước trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế” - đại diện VNR cho biết.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển

Năm 1992, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định Đường sắt biên giới và chính thức thông xe qua hai cặp cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường khổ 1.435mm và Lào Cai - Hà Khẩu khổ 1.000mm vào ngày 14/2/1996. Từ đó, định kỳ hàng năm, đường sắt hai nước tổ chức Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh và tìm các biện pháp tích cực thúc đẩy công tác vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước và quá cảnh tới các nước thứ ba.

Đường sắt hai nước đã thống nhất thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa liên vận đường sắt Việt - Trung với các đoàn tàu chuyên tuyến từ Trung Quốc đi châu Âu, xúc tiến phát triển chuyên chở hàng hóa giữa đường sắt hai nước với đường sắt Á - Âu. Cùng đó nghiên cứu áp dụng trao đổi dữ liệu điện tử liên vận đường sắt quốc tế để phục vụ tổ chức vận tải, nâng cao hiệu suất tác nghiệp tại cửa khẩu; khai thác mở rộng liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế.

Đại diện VNR cho biết đã tích cực phối hợp cùng với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc triển khai các giải pháp nâng cao khối lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc mở thêm các tuyến vận tải liên vận quốc tế mới như từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc, tàu chuyên tuyến từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) sang ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội).

Ngoài ra, những năm qua, ngành đường sắt nước ta đã hợp tác với các tập đoàn, DN đường sắt Trung Quốc trong cung cấp vật tư, thiết bị, phương tiện trong đóng mới, nâng cấp đầu máy, toa xe; hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, để vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết Hiệp định Đường sắt biên giới Việt - Trung thay thế cho Hiệp định Đường sắt biên giới ký năm 1992. Đặc biệt, ngành giao thông nước ta sẽ phối hợp triển khai xây dựng phương án nối ray đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Ngày 13/12 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã công bố Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam. Tuyên bố chung đề cập đến việc tiếp tục ủng hộ các DN đường sắt hai nước tăng cường hợp tác nâng hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc. Cùng với đó, hai bên sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Đọc thêm