Nhiều tín hiệu tích cực
Website vietnam.travel là website chính thức của Tổng cục Du lịch (TCDL) quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Theo thống kê của TCDL, lượng truy cập website vietnam.travel sau 10 tháng đầu năm 2022 đạt 4,0 triệu lượt, cao hơn rất nhiều so với cả năm 2021 (1,9 triệu) và năm 2020 (1,7 triệu). Tỷ lệ truy cập website này từ thị trường quốc tế chiếm 88,25%. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ, Úc, Canada… là những thị trường mục tiêu mà du lịch Việt nam đang hướng tới.
Theo trang similarweb.com – chuyên trang đánh giá, xếp hạng website trên toàn thế giới, tháng 9/2022 website vietnam.travel xếp hạng #166.985 trên toàn cầu, tăng 291.565 bậc trong một năm qua. Trong khu vực Đông Nam Á, website du lịch Việt Nam hiện xếp thứ 4, chỉ sau website của Singapore (hạng #77.424), Indonesia (hạng #90.622) và Thái Lan (hạng #140.545).
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 và tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022, TCDL đã triển khai chương trình truyền thông quảng bá với chủ đề “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) nhằm thu hút khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam.
Theo đó, trên website đã cập nhật thông tin về chính sách mở cửa du lịch thông thoáng của Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế về kiểm soát y tế, khôi phục chính sách miễn thị thực, xuất nhập cảnh như trước khi xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó là các hoạt động truyền thông được triển khai đa dạng với hàng loạt video clip, bài viết, hình ảnh mới giới thiệu tới du khách quốc tế các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Các công cụ “digital marketing” như SEO, SEM, Google Ads… đã được đẩy mạnh để gia tăng sự hiện diện của du lịch Việt Nam trên các cỗ máy tìm kiếm toàn cầu, tối ưu hóa khả năng tiếp cận tới thị trường khách du lịch quốc tế.
Sau khoảng một năm thực hiện, chiến dịch đã đạt được nhiều thành tựu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2022, Việt Nam đón 484,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022 có trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Những số liệu trên đã cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, cũng như bước tiến mới trong công tác truyền thông trên nền tảng số của ngành Du lịch.
Tiếp cận những xu hướng mới
Trong những năm gần đây, các chiến lược marketing du lịch đều đề cao tương tác và trải nghiệm. Biểu hiện rõ thấy là việc tạo dựng, lan toả các video du lịch trên các nền tảng mạng xã hội Youtube, Instagram, Facebook, TikTok... đều tăng mạnh. Đến nay, nhiều chuyên gia đánh giá việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ quảng bá du lịch chính đã trở nên phổ biến, do đó cũng cần có sự cân nhắc.
Các nền tảng mạng xã hội vẫn là một kênh khai thác khách hàng đầy tiềm năng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Du lịch bởi sở hữu lượng người dùng khổng lồ. Tuy nhiên, nền tảng xã hội cũng là nơi cạnh tranh nhất trong thời buổi công nghệ trong việc cung cấp các kiến thức và xu hướng du lịch. Bởi vậy, bên cạnh việc nghiên cứu thị trường phổ biến, chính sách thay đổi của từng mạng xã hội, cần chú ý đến cách làm và tạo dựng nội dung bắt kịp xu hướng mới. Ngoài ra, khi sử dụng nhiều mạng xã hội trong quảng bá, nên tập trung vào một “đầu mối” để thuận lợi cho việc quản lý, xác định mục tiêu, thị trường và quảng bá.
Đặc biệt, việc kết nối với các nhóm khách du lịch GenZ, du khách nhiều tuổi và những nhóm du khách từ những thị trường mục tiêu mới như Ấn Độ, Trung Đông,… cần được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm phát triển những chiến dịch truyền thông sáng tạo, hấp dẫn thông qua nền tảng số, kích thích nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Trong thời gian tới, để triển khai đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021 - 2025, TCDL đã ban hành Công văn số 1818/TCDL-TTTTDL gửi Sở quản lý lĩnh vực du lịch tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị phối hợp triển khai, kết nối liên thông các hệ thống đã có với các nền tảng số của TCDL.
Các nền tảng số hiện có bao gồm ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ - vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); kênh truyền thông trên các nền tảng số. Việc phối hợp chặt chẽ nhằm đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị trên nền tảng số giữa các cơ quan ban ngành trong ngành Du lịch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá thương hiệu, điểm đến, sản phẩm du lịch nổi bật của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.