Thực hiện giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất: Chỉ cần đến một đầu mối

(PLO) - Theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, khi Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành cơ chế liên thông các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế thì việc thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất của người dân sẽ giảm xuống còn hai lần đi lại. 
Người dân chỉ cần đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện giao dịch về đất
Người dân chỉ cần đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện giao dịch về đất
Không những thế, người dân không phải mất thời gian, công sức chuẩn bị hồ sơ với nhiều loại giấy tờ lặp lại và đặc biệt chỉ cần đến một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng.
Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh
Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể các quyền của cá nhân, tổ chức sử dụng đất, trong đó có các quyền về giao dịch đối với quyền sử dụng đất (QSDĐ). Bên cạnh Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan cũng quy định khá cụ thể về cách thức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người, tổ chức sử dụng đất.
Tuy nhiên hiện nay, để thực hiện các giao dịch liên quan đến QSDĐ, người dân cần đến làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như công chứng (hoặc UBND cấp xã), thuế, văn phòng đăng ký QSDĐ… Điều này dẫn đến việc cá nhân, tổ chức phải mất nhiều thời gian do phải tìm hiểu và đi lại tại nhiều cơ quan để làm thủ tục hành chính (TTHC), kéo theo các chi phí tăng lên.
Cũng theo quy định hiện hành, trong quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến hợp đồng, giao dịch về bất động sản, cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ khác nhau để giải quyết tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với các thành phần giấy tờ trùng lặp và có giấy tờ không cần thiết. 
Việc giải quyết TTHC trong chuỗi thủ tục diễn ra tình trạng tách biệt giữa công chứng và đăng ký QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nên hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, có thể lọt những hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo về quyền sử dụng, giấy tờ giả, che giấu tranh chấp tài sản, trốn thuế… 
Trong một số trường hợp, do ngại những rắc rối khi thực hiện hợp đồng giao dịch, người dân ủy quyền cho tổ chức hành nghề công chứng hoàn thành nốt các thủ tục tiếp theo song chưa có một cơ chế liên thông, không có sự giám sát của Nhà nước khiến người dân phải chịu chi phí dịch vụ cao.
Để đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục liên quan tới các giao dịch về bất động sản; đồng thời gắn kết trách nhiệm trong giải quyết TTHC giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chuỗi thủ tục về quyền của cá nhân, tổ chức về đất đai, tài sản gắn liền với đất, góp phần tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Bộ Tư pháp đã đề xuất sáng kiến liên thông thủ tục công chứng, đăng ký QSDĐ, tài sản gắn liền với đất và thuế. 
Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành theo thẩm quyền cơ chế liên thông trong thực hiện các TTHC về công chứng, đăng ký QSDĐ, tài sản gắn liền với đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan.
Cần thể chế hóa mô hình liên thông
Từ thực trạng quy định, thực hiện các thủ tục trên, dự kiến quy trình liên thông sẽ kết nối giữa các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký QSDĐ và cơ quan thuế. Theo đó, người yêu cầu công chứng (cá nhân, tổ chức) chỉ trực tiếp liên hệ ở một cửa duy nhất là tổ chức hành nghề công chứng. 
Tại đây, người yêu cầu công chứng tuyên bố ý chí của mình về việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn… QSDĐ, tài sản gắn liền với đất. Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan như văn phòng đăng ký đất đai, thuế, xây dựng để tra cứu, xác minh các thông tin nhằm bảo đảm tính xác thực và tính hợp pháp của các nội dung hợp đồng, giao dịch. 
Các tổ chức hành nghề công chứng cũng đứng ra tổ chức cho các bên trực tiếp ký kết hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên; thay mặt các bên liên hệ với cơ quan thuế, văn phòng đăng ký QSDĐ làm các thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, nộp thuế và chuyển trả kết quả cuối cùng cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng.
Nếu mô hình liên thông này được áp dụng, dự báo sẽ giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ TTHC cho cá nhân, tổ chức vì chỉ phải đi lại hai lần (chứ không phải 8 – 10 lần như hiện nay) với một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng. 
Hơn nữa, quy trình liên thông còn tinh giản, rút gọn, loại bỏ những trình tự, thành phần hồ sơ lặp lại giữa các thủ tục. Việc thể chế hóa mô hình liên thông sẽ tạo điều kiện công khai, minh bạch phí dịch vụ ủy quyền cho tổ chức hành nghề công chứng, người dân có cơ hội thụ hưởng dịch vụ có chất lượng với giá thành hợp lý.
Tại cuộc họp nghe một số đơn vị báo cáo về xây dựng cơ chế liên thông diễn ra chiều qua (11/5), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị Cục Kiểm soát TTHC làm đầu mối, Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp chuẩn bị nội dung, cùng nhau xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch về vấn đề này, đồng thời báo cáo Bộ trưởng cho chỉ đạo phân công nhiệm vụ. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các đơn vị phải chủ động xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch trên cơ sở sáng kiến trước đây để có thể đưa ra lấy ý kiến tại cuộc họp liên ngành. 

Đọc thêm