Gặp Khoa “bão” của ngành Tư pháp Uông Bí

(PLO) - Từ ước mơ của người mẹ hiền mong con trở thành cán bộ tư pháp, chàng thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới của Tỉnh Đoàn Quảng Ninh năm nào nay đã trở thành Phó phòng Tư pháp của TP.Uông Bí. Thành công đó của anh Vũ Văn Khoa (SN 1976, phường Phương Đông, TP.Uông Bí) là cả một hành trình nỗ lực không mệt mỏi cộng với niềm đam mê tư pháp, quyết tâm đi lên từ chính đôi chân của mình. 
Anh Vũ Văn Khoa
Anh Vũ Văn Khoa
Trưởng thành từ phong trào đoàn
Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết cấp 3, anh Khoa tính đi buôn để kiếm kế sinh nhai bởi đồng lương công nhân Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí của cha và thu nhập từ vài sào lúa của mẹ không đủ để nuôi 4 anh em ăn học, nhưng ý định muốn làm kinh tế đã không được mẹ anh ủng hộ. 
Anh Khoa nhớ lại, sau buổi lên ủy ban xã hoàn thiện thủ tục, giấy tờ dự thi đại học năm đó, ngày nào mẹ anh cũng khuyên nhủ muốn anh trở thành cán bộ tư pháp. Bà đã được chứng kiến những cán bộ tư pháp hướng dẫn người dân tận tình, tỉ mỉ khi đến làm những thủ tục pháp lý, bà chỉ mong sau này anh cũng như vậy! 
Chính từ những suy nghĩ của mẹ về hình ảnh những cán bộ tư pháp cần mẫn, tận tụy với dân nên anh Khoa đã quyết định chọn ngành Luật để thử sức mình.
Để có thời gian vừa học vừa làm, anh Khoa đăng ký theo học Đại học Luật hệ tại chức tại TP.Hạ Long. Anh nhận làm thuê bất cứ việc gì từ phu hồ, khuân vác đến sản xuất đá… để có tiền nộp học phí. Chính khoảng thời gian này đã dạy cho anh bài học rằng, muốn thoát khỏi đói nghèo chỉ có cách vươn lên và đi bằng chính đôi chân của mình. 
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại UBND xã Phương Đông (nay là phường Phương Đông), TP.Uông Bí. Hai năm sau, anh xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại phường Hải Hòa, TP.Móng Cái với vai trò Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Đông Bắc trực thuộc Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. 
Tiếp đến, sau 4 năm giữ chức Ủy viên Thường vụ của Thị Đoàn Uông Bí, anh chính thức về công tác tại Phòng Tư pháp TX.Uông Bí (nay là TP.Uông Bí). Đây cũng chính là lúc anh “bén duyên” với nghiệp tư pháp, được trải nghiệm với những tình huống pháp lý quý báu trong nghề. Sau hơn 6 năm miệt mài với nghề, đến tháng 11/2014 anh Vũ Văn Khoa chính thức được bổ nhiệm chức Phó phòng Tư pháp TP.Uông Bí.
Để có được thành công này là cả một quá trình anh Khoa đã phải vượt lên chính mình. Khi “chân ướt, chân ráo” vào nghề, kiến thức về tư pháp trong anh rơi rụng đi ít nhiều bởi có tới 6 năm anh theo đuổi công tác đoàn. Bù lại, anh có được sự nhiệt tình, xông xáo và bản tính dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm. 
Vụ việc đầu tiên anh được giao là cải chính hộ tịch cho người tên Chung thành Trung, có hộ khẩu ở phường Quang Trung. Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ quy trình cải chính cộng với được cấp trên hướng dẫn tận tình nhưng phải đến lần thứ 3 anh mới hoàn thiện quyết định “chuẩn” tên tuổi, ngày khai sinh, ngày đăng ký khai sinh và ngày cải chính. Đây cũng chính là kỷ niệm anh không bao giờ quên được.
Với việc tham mưu để chính quyền ban hành quyết định, văn bản, cán bộ tư pháp không được phép nhầm lẫn. Anh dẫn chứng về một quyết định do anh soạn thảo để phục vụ công tác của UBND TP.Uông Bí. Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng về nội dung, trình cấp trên phê duyệt, quyết định được in ấn, đóng dấu và phát đi cho tất cả các phường, xã trên địa bàn. Khi mọi sự “đã rồi”, anh mới “tá hỏa” phát hiện văn bản trên thiếu phần quan trọng nhất: chủ thể của quyết định - được thể hiện chỉ bằng một dòng chữ. 
Từ bài học xương máu này, anh nghiệm ra rằng: “Việc tư pháp là việc không “cháy nhà, chết người” nhưng lại ảnh hưởng đến cả một con người, thậm chí nhiều con người. Với công việc này, càng cẩn trọng, tỉ mỉ, chắc chắn bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”.
Khoa “bão” nói nhanh, nghĩ nhanh, làm nhanh
Công tác trong ngành Tư pháp được 7 năm, anh Khoa nhận thấy rằng tư pháp mang lại niềm tin cho con người quả không sai. Dù chỉ là văn bản, giấy tờ như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch… nhưng tất cả đều gắn liền với đời sống của một con người từ khi sinh ra, trưởng thành đến khi giã từ cõi đời. 
Trong 21 đầu việc được giao, anh chia sẻ việc cải chính hộ tịch là khó nhất bởi cần thời gian và nhiều nguồn để kiểm chứng về việc thay đổi đó có liên quan đến sự vụ lợi, trốn tội của công dân hay không. Việc kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng... “nhức óc” không kém. Bởi ngoài ngành Tư pháp, cả hệ thống gồm Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng thực thi nhiệm vụ này. Nếu cán bộ tư pháp không sắc sảo, khéo léo, linh hoạt thì rất dễ rơi vào tình trạng chồng chéo khi xử lý công việc.
Để việc báo cáo nhanh và hiệu quả, anh đã có sáng kiến “Xây dựng bảng tổng hợp trên Excel về tổng hợp số liệu báo cáo hệ thống bảng biểu số liệu báo cáo thực hiện chuyên môn” theo quy định tại Thông tư số 08/2011 ngày 05/4/2011. Kể từ đó, việc thống kê công việc tư pháp đã đơn giản hơn rất nhiều, bảng Excel này trở thành trợ thủ đắc lực cho các cán bộ trong Phòng.
Trong cơ quan, mọi người gọi anh với một cái tên thân mật nhưng rất ấn tượng là Khoa “bão”, xuất phát từ bản tính “ba nhanh”: nói nhanh, nghĩ nhanh, làm nhanh chẳng khác lúc bão ập đến! Bản thân anh Khoa có thể đảm nhiệm khối lượng công việc của 3 cán bộ tư pháp cấp xã, một đồng nghiệp của anh cởi mở chia sẻ. 
Trong năm 2014, cùng với cán bộ nghiệp vụ, anh Khoa đã thực hiện công tác chứng thực 5.619 lượt bản sao từ bản chính, 195 lượt chữ ký bản dịch, thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc cho 175 trường hợp, cấp lại bản chính giấy khai sinh 305 trường hợp. 
Ngoài ra, những chuyến xe lưu động chở cán bộ tư pháp tới vùng sâu, vùng xa để trợ giúp pháp lý cho người dân, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp xã, củng cố hoạt động của các Tổ hoà giải ở cơ sở không bao giờ vắng mặt Khoa “bão”. Với những nỗ lực, cố gắng đó, liên tục nhiều năm liền, anh Khoa vinh dự được nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến cấp thành phố”, “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và Giấy khen của UBND TP.Uông Bí.
Người ta luôn nghĩ phong trào đoàn thường đi vào bề nổi, còn tư pháp thiên về chiều sâu. Nhưng chính hai thái cực tưởng chừng đối lập này đã bổ sung, hòa quyện vào nhau để làm nên một Khoa “bão” của ngành Tư pháp Uông Bí.

Đọc thêm