Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nửa nhiệm kỳ vừa qua, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Góp phần làm nên kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi tài khóa. “Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay”, Đại biểu nói.
Song, Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở. Trong đó, về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Lấy ví dụ thuế thu nhập cá nhân hiện hành, Đại biểu cho rằng, các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến; mức chiết trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát, có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn. Hay chính sách thuế VAT cũng có không ít vấn đề, như số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian…, làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách nhà nước.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nêu một số tồn tại lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng... Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và sớm đầu tư tư, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Đại biểu kiến nghị tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn tới đầu tư chung của nền kinh tế. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ dành khoảng 5.000 tỷ hỗ trợ vào hạ tầng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp có đà để tập trung vào sản xuất, xuất khẩu.
Với quan điểm cho rằng, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững cần phải có một lực lượng doanh nghiệp hùng tráng, Đại biểu kiến nghị Quốc hội cho xây dựng và ban hành Nghị quyết riêng về phát triển toàn diện doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.
Liên quan đến kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, bảo đảm các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển.
Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ, đây là nỗ lực rất lớn.
Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của TTCP và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%. Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Do đó, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.