Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp thì lưu ý: “Dù Luật Hộ tịch có nhiều quy định tạo thuận lợi hơn cho người dân thì người dân cũng cần tuân thủ đúng các quy định của Luật, tránh lợi dụng những điều kiện thông thoáng của Luật để xảy ra những sai sót không đáng có”.
Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực về những nội dung đáng quan tâm này.
Sẽ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành
Theo kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số nội dung được quy định trong Luật. Xin ông cho biết sẽ có mấy Nghị định cần được ban hành? Các Nghị định đó hướng dẫn những nội dung cụ thể nào trong Luật và tiến độ ban hành các Nghị định có kịp thời điểm Luật có hiệu lực thi hành không?
- Theo Kế hoạch thì Chính phủ sẽ ban hành 03 Nghị định, đó là: (i) Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. (ii) Nghị định trong đó có nội dung quy định về thủ tục cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; việc kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (iii) Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Kế hoạch của Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành có liên quan ban hành 03 Thông tư, Thông tư liên tịch để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Theo tiến độ đang được Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành triển khai thì Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành trong tháng 9/2015 theo đúng Kế hoạch để có hiệu lực đồng thời với Luật hộ tịch từ ngày 01/01/2016.
Các Thông tư, Thông tư liên tịch cũng sẽ được xây dựng theo đúng tiến độ đề ra. Riêng đối với Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến, thì theo Kế hoạch của Chính phủ sẽ thực hiện theo tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhưng xong trước ngày 1/1/2020.
Người dân rất quan tâm về việc đến ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành thì việc đăng ký hộ tịch (cụ thể như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, …) của nhân dân có gì thay đổi so với trước không? Việc thay đổi (nếu có) sẽ theo chiều hướng thuận tiện hơn hay chặt chẽ hơn?
- Luật Hộ tịch là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật hộ tịch có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung, như: đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch. Quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã có quy định nhằm bảo đảm chặt chẽ, phòng ngừa những sơ hở, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như đã nêu trên (quy định về việc trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú; bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký và quản lý hộ tịch) và quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc khai sinh, khai tử; chịu trách nhiệm về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch do buông lỏng quản lý.
Như vậy, có thể khẳng định: trong thời gian tới, khi Luật hộ tịch có hiệu lực bảo đảm người dân thực hiện việc đăng ký hộ tịch sẽ thuận lợi hơn và cũng bảo đảm sự chặt chẽ trong công tác quản lý.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp |
Để không gặp những bỡ ngỡ khi Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành, với tư cách là Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ông có lưu ý gì về việc triển khai Luật đối với cán bộ hộ tịch cơ sở và đối với nhân dân.
- Để tránh những bỡ ngỡ khi triển khai Luật Hộ tịch, đối với cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch cấp xã, trên cơ sở những tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ, đề nghị cán bộ hộ tịch mạnh dạn thực thực hiện đăng ký hộ tịch theo trình tự, thủ tục của Luật quy định, bởi vì theo quy định của Luật Hộ tịch, có một số yêu cầu theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, chắc chắn sẽ tạo sức ép hơn với người làm công tác đăng ký hộ tịch cơ sở.
Ví dụ đối với rất nhiều việc hộ tịch đơn giản (như đăng ký khai sinh, khai tử…) luật quy định giải quyết ngay trong ngày. vấn đề khai sinh, khai tử, nhiều vấn đề đơn giản khác nữa phải được giải quyết ngay trong ngày. Đối với một số việc hộ tịch quy định về thời hạn giải quyết, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã cần phải tập trung bảo đảm đúng tiến độ về thời gian.
Thực tế, theo quy định của Luật thì công việc của cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì gần như UBND cấp xã toàn quyền trong đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật mà không cần phải phối hợp liên ngành cũng như không cần phải xin ý kiến cấp trên. Ngay cả đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới thì trong dự thảo Nghị định của Chính phủ tới đây cũng quy định theo hướng là UBND cấp xã ở khu vực biên giới trực tiếp giải quyết luôn những việc về hộ tịch như thế mà không cần xin ý kiến cấp huyện, cấp tỉnh…
Về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, theo quy định của Luật cũng như hướng dẫn của Chính phủ thì tới đây sẽ cắt giảm rất nhiều giấy tờ không cần thiết và tăng cường xuất trình bản chính giấy tờ, hạn chế tối đa việc sao chụp, nhất là sao công chứng, chứng thực những giấy tờ không cần thiết…
Có điều, quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải rất linh hoạt trong quá trình giải quyết các yêu cầu về hộ tịch và phải có tư duy đổi mới để tạo thuận lợi cho người dân.
Đối với cán bộ làm công chức hộ tịch cấp huyện, tại các Phòng Tư pháp, có lẽ bỡ ngỡ nhất là vấn đề đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài như đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, ghi chú những việc về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài… Thế nên dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng rất cụ thể và thuận lợi cho cán bộ hộ tịch cấp huyện, giảm tối đa quy trình thủ tục.
Ví dụ: về vấn đề phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài, sẽ quy đinh theo hướng nếu vẫn giữ phỏng vấn thì cũng chỉ phỏng vấn trong một số trường hợp thôi, chứ không phải phỏng vấn 100% trường hợp như hiện nay. Nội dung phỏng vấn cũng phải thiết thực để tránh hình thức. Về lo ngại của công chức hộ tịch cấp huyện về hồ sơ, giấy tờ có yếu tố nước ngoài thì trên thực tế tất cả các giấy tờ này đều được dịch ra tiếng Việt, hợp pháp hóa lãnh sự và có chứng thực hợp lệ nên việc yêu cầu công chức phải học ngoại ngữ cũng không nhất thiết.
Tuy nhiên, khi giải quyết các việc về hộ tịch, nhất là việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì trong giai đoạn đầu, đối với địa phương nào có nhiều việc, chắc chắn cũng sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Chúng tôi đã lưu ý các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Tư pháp có thể biệt phái cán bộ xuống huyện một thời gian, khi nào ở cấp huyện tốt rồi thì rút người lên hoặc tăng cường tập huấn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện.
Một ví dụ nữa là thủ tục ghi chú ly hôn, kết hôn với người nước ngoài, lâu nay pháp luật quy định giao cho Sở Tư pháp trước khi ghi chú phải lấy ý kiến của Bộ Tư pháp. Tới đây, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng sẽ đề xuất đưa vào trong dự thảo Nghị định theo hướng: đối với những trường hợp mà bản án ly hôn có đơn yêu cầu không công nhận hoặc có đơn đề nghị không thi hành tại Việt Nam thì sẽ cho đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để các Sở Tư pháp tự kiểm tra, không phải lấy ý kiến bằng văn bản….
Đối với người dân thì tôi cho rằng các quy định của Luật cũng như hướng dẫn tại các Nghị định của Chính phủ tới đây sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân. Tuy nhiên, để tránh những sai sót không đáng có thì người dân cũng phải thực hiện đúng các quy định của Luật trong việc đăng ký hộ tịch, tránh lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật để làm những việc không đúng.
Mặt khác, trong giai đoạn chuyển tiếp này thì người dân vẫn cần phải xuất trình một số loại giấy tờ, thậm chí phải nộp một số giấy tờ cần thiết, tuy nhiên, khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc được xây dựng xong thì các loại giấy tờ sẽ được giảm bớt đi rất nhiều.
Nói đến việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, xin ông cho biết công việc này đang tiến hành đến đâu?
- Thực hiện Kế hoạch số 59 của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác liên ngành xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và nhóm giúp việc Tổ công tác. Tổ công tác liên ngành đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án, đồng thời tiến hành khảo sát, tọa đàm về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký hộ tịch tại một số địa phương (Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thái Nguyên).
Thời gian tới sẽ gửi lấy ý kiến chính thức của một số bộ, ngành có liên quan để chỉnh lý hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2015. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và triển khai thực hiện, bảo đảm đưa vào vận hành, khai thác trước ngày 01/01/2020.
Trân trọng cảm ơn ông!