“Sát ngày, mua luôn thể”
Quanh các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đầu mối và một số chợ lẻ… trên địa bàn Hà Nội, các hoạt động mua bán đông đúc nhộn nhịp khác hẳn ngày thường, người mua kẻ bán hối hả lựa chọn hàng hóa chuẩn bị cho ngày Tết đã cận kề.
Chị Lê Thị Mai, tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho hay, trước Tết khoảng một tuần chính là “thời điểm vàng” của hoạt động mua bán. Dịp này, lượng hàng hóa bán ra phải tăng gấp 4-5 lần so với những tuần trước.
“Năm nay người tiêu dùng không mua sắm sớm mà sát Tết mới mua nên lượng hàng bán ra cũng đổ dồn vào dịp cuối năm. Mình phải huy động cả nhà ra để trông hàng và bán mới kịp”, chị Mai vừa bán hàng, vừa tất bật nói.
Còn với nhiều khách hàng như chị Nguyễn Thị Dung (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, năm nay được nghỉ trước Tết sớm hơn nên việc mua sắm chị để dành vào dịp này.
“Hơn nữa, công việc cuối năm rất bận rộn nên mình chưa có thời gian chuẩn bị, phải đến giáp Tết mới giục chồng cùng đi mua sắm,” chị Dung chia sẻ.
Vừa chọn đồ, vừa xem lại tờ danh sách những thứ cần mua, chị Trần Minh Nguyệt (Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở, nhà chị chưa sắm được đồ Tết gì cả, giờ cuối năm mới lên kế hoạch mua quà Tết biếu hai bên nội và ngoại, vừa chuẩn bị sắm sửa trong nhà.
“Rút kinh nghiệm những năm trước sắm đồ sớm, lắt nhắt rất tốn kém, năm nay, vợ chồng mình lên hẳn kế hoạch những thứ cần mua, gói gọn và đợi đến sát ngày mua luôn một thể. Tuy vội một chút nhưng trong một ngày, gia đình mình đã sắm được khá đầy đủ rồi”, chị Nguyệt tay vừa xách đủ thứ đồ lỉnh kỉnh vừa giải thích.
Nhập cao nên bán cao
Đã thành thông lệ của thời gian giáp Tết, giá thực phẩm và đồ tiêu dùng luôn phải nhích cao hơn hẳn so với ngày thường. Dù tăng ít hay tăng nhiều thì dường như biểu đồ hình giá cả hình sin sẽ lên đến cực đại vào đúng sáng 30 Tết trong không khí hối hả, chạy đua với khoảnh khắc của cuối cùng của năm cũ. Và tâm lý khách hàng nói chung vẫn là “Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà,” quanh năm đã vất vả thì Tết nhất, dù có đắt hơn cũng phải mua sắm cho đủ.
Nhiều mặt hàng tăng giá nhưng vẫn “hút” khách. Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+ |
Tại một số chợ đầu mối và chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Đồng Xuân, Nghĩa Tân, Phùng Khoang, Đồng Xa…, giá một số mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán như nấm, măng khô, miến và một số loại hạt, bánh, mứt, kẹo, nước uống… đều tăng mạnh.
Cụ thể, măng lưỡi lợn có giá 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; măng vầu búp có giá 220.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; măng mầm loại ngon có giá 250.000 đồng/kg, tăng so với trước chỉ có 220.000 đồng/kg…
Một số loại nấm cũng đội giá, tăng thêm từ 30.000–40.000 đồng/kg, như nấm hương rừng có giá 330.000 đồng/kg; nấm trắng được bán với giá 380.000 đồng/kg; thậm chí, nấm loại ngon còn có giá 450.000 đồng/kg…
Đặc biệt, các loại hạt cũng tăng giá từ 10.000-20.000 đồng/kg, như: Hạt bí ta loại nhỏ giá 150.000 đồng/kg, loại to giá 160.000 đồng/kg, hạt điều giá 200.000 đồng/kg, hạt dẻ 280.000 đồng/kg, hạt hướng dương giá từ 60.000–80.000 đồng/kg, tùy loại. Các loại mứt hạt sen, mứt dừa dẻo, mứt bí, mứt hồng khô tăng khoảng 10-15%...
Lý giải về vấn đề hàng hóa tăng giá mạnh, hầu hết tiểu thương tại các chợ bán buôn bán lẻ đều cho rằng, giá cả các mặt hàng Tết nhập về đều tăng cao nên việc tăng giá là tất yếu.
“Hơn nữa, cận Tết việc nhập hàng cũng khó hơn và chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, nên chúng tôi cũng phải linh động giá cả để tránh nguy cơ bị lỗ”, anh Hoàng Văn Quân, tiểu thương tại chợ Hôm cho hay.
Giá cả các mặt hàng tăng mạnh hơn so với trước, song trái hẳn với sức mua ảm đạm của hơn chục ngày qua, nhiều khách hàng đã hào hứng sắm Tết, “phóng tay” mua nhiều hơn.
Mặt khác, để tránh tình huống cuống cuồng “vắt chân lên cổ” để chuẩn bị đồ Tết, một lựa chọn thông minh để mua sắm tiết kiệm thời gian của không ít các gia đình là đến các điểm siêu thị, trung tâm mua sắm, nơi tập trung đủ loại hàng hóa.
Theo đó, tại các hệ thống siêu thị như siêu thị Big C, Metro… lượng khách cũng đổ dồn, tắc nghẽn từ các bãi trông xe trong khi khách hàng mua đông nghẹt. Đặc biệt, mặc dù đã có từ 30-40 quầy tính tiền nhưng cả 2 siêu thị này luôn trong tình trạng khách hàng lũ lượt xếp hàng đợi đến lượt thanh toán.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết, thời điểm gần Tết doanh thu bán hàng của siêu thị đã cao hơn gấp 4-5 lần ngày thường. Doanh thu lớn nhất tập trung vào các quầy bán hàng thực phẩm phục vụ Tết và các gian hàng bán quần áo thời trang…