Thực phẩm “tự làm tự bán”: Rủi ro cho người tiêu dùng?

(PLO) - Chưa có thời điểm nào, trào lưu “tự làm tự bán” thực phẩm lại được ưa chuộng như hiện nay. Việc buôn bán không có giấy phép kinh doanh hay chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ chỉ mang lại cái lợi cho người bán, còn người mua hầu như chỉ mua bằng… niềm tin, còn hậu quả xảy ra thì không biết tính sao?
Chỉ cần sở hữu một trang facebook, một bà nội trợ đã có thể trở thành “người kinh doanh thực phẩm” online với nguồn thu đến vài triệu đồng/ngày
Chỉ cần sở hữu một trang facebook, một bà nội trợ
đã có thể trở thành “người kinh doanh thực phẩm” online
 với nguồn thu đến vài triệu đồng/ngày 
Thực phẩm “tự làm” lên ngôi 
Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, kinh doanh thực phẩm (KDTP) qua mạng phát triển với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là những mặt hàng được mang nhãn “cây nhà lá vườn”, “tự làm”. Các sản phẩm thực phẩm dòng “hand made” này đủ chủng loại: từ rau, củ tự trồng trong vườn, hoa quả tự chế biến, thức ăn tự nấu nướng chế biến đóng gói, các loại thực phẩm khô, đông lạnh… Phổ biến nhất là các loại bánh, mứt tự làm tự bán. 
Bên cạnh những người bán có quy mô, theo hình thức chuyên nghiệp, giờ đây các bà nội trợ tham gia vào cộng đồng “hàng tự làm bán online” ngày càng đông đúc. Đến nỗi, người ta có cảm giác như bất cứ ai sở hữu một cái bếp và biết nấu nướng cũng bỗng chốc trở thành “nhà” KDTP qua mạng. Nhiều bà nội trợ trồng rau củ quả trong nhà để có rau sạch mà ăn, trồng dư dả nên đem bán “kiếm thêm”. Có những người làm bánh, kẹo cho gia đình tự thưởng thức, đăng lên facebook, được bạn bè khen ngợi, vài ngày sau đã thấy đăng bán sản phẩm… 
Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ khu Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) chia sẻ, chị là một “tín đồ” của mua sắm online những thực phẩm tự chế biến của bạn bè: các loại cá biển thì mua của một cửa hàng đông lạnh trên mạng của gia đình có người gửi từ Phan Thiết vào bán; rau củ thì một bà nội trợ tự trồng bán; bánh trái là những người quen tự làm tự bán giao hàng tận nơi, kể cả bánh sinh nhật, bánh trung thu để biếu tặng. 
Ngay cả hôm nào bận quá, chị gọi bảo chồng cắm giùm nồi cơm, rồi lên mạng đặt mua nồi cá kho hay đĩa gà xào gừng… Chị Hoa kể, không riêng chị mà công ty chị hầu hết chị em văn phòng đều có thói quen này. Một phần của lý do là tiết kiệm thời gian, công sức, đỡ phải đi lại, nhiều thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến luôn, đỡ phải nấu nướng. Tuy nhiên, lý do lớn nhất vẫn  là “cảm giác an toàn”. 
Tương tự, chị Vũ Mỹ Duyên (ngụ Bùi Đình Tuý, Bình Thạnh) cũng vì sợ hãi bởi nhiều thông tin về thực phẩm thiếu an toàn, như rau củ nhiễm độc, cá ướp u rê, thịt heo thối và sự mất vệ sinh thực phẩm kể cả ở những thương hiệu lớn, chị và bạn bè chọn mua những sản phẩm “nhà nuôi, nhà trồng”, sản phẩm sạch tự chế biến ở những người quen trên mạng. Không biết do tâm lý hay thực sự an toàn từ chất lượng sản phẩm mà chị ăn thấy ngon miệng, vệ sinh hơn.
Rủi ro luôn thuộc về người mua
Không thể phủ nhận khá nhiều người KDTP online đã thành công và tạo dựng được thương hiệu trên mạng, mở cửa hàng offline nhờ chất lượng tốt, mặt hàng phong phú, được sự tín nhiệm của đông đảo người mua. Nhưng, tất cả những yếu tố “vườn nhà”, “nguồn gốc sạch”, “tự chế biến” hầu như chỉ là sự cam kết miệng từ phía người bán. Còn người mua chỉ có thể sử dụng… niềm tin là chủ yếu. Hoặc để chắc ăn, có những người chọn người quen để mua hàng. 
Không phải không có những trường hợp người bán trà trộn sản phẩm mua từ chợ, thậm chí nguồn trôi nổi rồi bán cho khách hàng với giá “nhà trồng, nhà nuôi” đắt gấp đôi, gấp ba lần. Bên cạnh đó, những sản phẩm chế biến như các loại bánh, mứt, thức ăn vặt, cá thịt kho… có được chế biến bằng nguyên liệu tươi, sạch, bảo đảm hay không, chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không, câu trả lời này chỉ có… người bán mới biết. 
Một điều cần nói là hầu hết những người KDTP online tự phát trên mạng, nhiều người có doanh thu “khủng”, thu nhập từ vài triệu đồng một ngày, nhưng hoàn toàn không đăng kí kinh doanh, nghĩa là không phải đóng thuế. Đồng thời, mặc dù KDTP nhưng hầu hết các cá nhân kinh doanh này không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nghĩa là chưa được cơ quan quản lý để mắt đến, chứng nhận hay kiểm tra đã đủ tiêu chuẩn để bán sản phẩm cho khách hàng hay không? 
Như vậy, nếu trường hợp khách hàng mua sản phẩm sử dụng, sau đó bị ngộ độc do sản phẩm không vệ sinh thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, hay chỉ người mua “tự mua tự chịu” mà thôi? 

Đọc thêm