Thực thi Công ước về chống tham nhũng: Đáp ứng đầy đủ 102/145 yêu cầu

Hôm qua (7/9), Thanh tra Chính phủ (TTCP)  phối hợp với Cơ quan thường trú của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức hội nghị truyền thông về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để các cơ quan chức năng rà soát lại toàn diện hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.

Hôm qua (7/9), Thanh tra Chính phủ (TTCP)  phối hợp với Cơ quan thường trú của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức hội nghị truyền thông về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để các cơ quan chức năng rà soát lại toàn diện hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung sửa các  quy định về tội hối lộ.  Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung sửa các quy định về tội hối lộ. Ảnh minh họa

“Sản phẩm đầu vào” để sửa Luật PCTN

Việt Nam được lựa chọn đánh giá trong chu trình đầu tiên vào năm 2011. Ở chu trình này việc đánh giá tập trung vào các quy định tại Chương III về hình sự hóa và thực thi pháp luật và Chương IV về hợp tác quốc tế, gồm 35 điều, 180 nội dung cụ thể, trong đó có 145 nội dung về mức độ tuân thủ, 35 nội dung về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Các nội dung về mức độ tuân thủ được phân loại thực hiện theo 4 cấp độ, gồm đã ban hành và thực hiện đầy đủ; đã ban hành và thực hiện nhưng chưa đầy đủ; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ; không có thông tin về việc này.

Kết quả tự đánh giá cho thấy, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 102/145 yêu cầu của Công ước; đã ban hành, tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ 29/145 yêu cầu của Công ước; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ 14 yêu cầu của Công ước (chủ yếu là các nội dung Việt Nam đã tuyên bố, bảo lưu hoặc mang tính khuyến nghị). Nhìn chung, Việt Nam đã đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu của Công ước trong phạm vi nội dung thuộc chu trình đánh giá đầu tiên.

Nhóm chuyên gia quốc tế (bao gồm chuyên gia của Italia, Li-băng, với sự hỗ trợ của ban thư ký) cũng đưa ra những bình luận cơ bản tương đồng với kết quả đánh giá của Việt Nam. Ông Bryan Fornari - Phó Ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hy vọng Báo cáo tự đánh giá sẽ là sản phẩm đầu vào để sửa đổi, bổ sung Luật PCTN 2005 của Việt Nam.

Nghiên cứu bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết: Việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước là một việc làm mới đối với Việt Nam nhưng đây lại là cơ hội quan trọng để các cơ quan chức năng rà soát lại toàn diện hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác PCTN của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã nhận diện được một cách cụ thể các nội dung còn chưa phù hợp và những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đáp ứng đầy đủ, toàn diện hơn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tương trợ tư pháp.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung trong thời gian tới là tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của Công ước, bao gồm quy định về tội hối lộ công chức quốc gia, hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công, tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức, tẩy rửa tài sản do phạm tội mà có, cản trở hoạt động tư pháp, tịch thu tài sản sẽ được sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội và một số quy định khác; tiếp tục nghiên cứu phương án quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân (đặc biệt là trong PCTN), về hành vi tham nhũng trong khu vực tư.

Còn nhóm chuyên gia quốc tế khuyến nghị sớm sửa các quy định về nhóm tội phạm tham nhũng, trong đó tập trung sửa quy định về tội hối lộ; quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nhân chứng, chuyên gia, nạn nhân; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tổng hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về PCTN, các biện pháp huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư, của người dân nói chung vào PCTN...

H.Thư

Đọc thêm