Thực trạng của tội phạm mua bán người còn tiềm ẩn rất lớn

(PLVN) -  Ngày 29/6, Sở Tư pháp TP Cần Thơ phối hợp với Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị thực trạng thi hành pháp luật phòng, chống mua bán người trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tội phạm mua bán người giảm nhưng ngày càng tinh vi

Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất. Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác phòng, chống và tham gia nhiều Công ước quốc tế về vấn đề này. Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện để có những hình thức chế tài mạnh mẽ, hướng đến xử lý triệt để tình trạng mua bán người.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt kết quả tích cực. Các ngành, các cấp đều quan tâm đến công tác phòng, chống. Loại tội phạm này ở một số địa phương có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đã xuất hiện các hành vi và phương thức phạm tội mới, tinh vi hơn. Tội phạm này ở nhiều tỉnh, thành có xu hướng giảm nhưng đã xuất hiện hành vi, phương thức phạm tội mới tinh vi hơn. Công tác thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán còn hạn chế, bất cập, nhất là giải cứu, hỗ trợ nạn nhân trong mua bán người.

Thượng tá Cao Nguyên Vĩnh Phương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2016 đến tháng 12/2021, Công an TP Cần Thơ đã phát hiện và thụ lý 3 vụ, 11 đối tượng mua bán người với 10 nạn nhân. Địa bàn xảy ra tập trung tại vùng nông thôn, nơi người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong thời gian qua, Công an TP Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm mua bán người, hướng về cơ sở. Tuyên truyền sâu rộng trong dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Tập trung tuyên truyền tại địa bàn phức tạp, có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ mua bán người như địa bàn huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt.

Bên cạnh đó, công an thành phố cũng chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ nắm và quản lý địa bàn, rà soát đối tượng có biểu hiện, khả năng hoạt động phạm tội để đưa vào danh sách quản lý nhằm chủ động phát hiện các đối tượng, đường dây có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ Việt Nam đưa đi nước ngoài.

Tương tự, ông Phan Hữu Long, Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ cũng khẳng định, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn TP Cần Thơ là không nhiều. Tuy nhiên, thủ đoạn lại rất tinh vi và khó xử lý. Theo ông Long, công tác phối hợp và xử lý tin báo về mua bán người còn nhiều khó khăn nhất định. Chỉ khi bị hại về địa phương hoặc người nhà của nạn nhân tố cáo vi phạm thì ngành chức năng mới nắm thông tin. Những trường hợp này chỉ phối hợp sưu tra, xác minh và không đủ cơ sở để khởi tố, truy tố đối với các đối tượng vi phạm. “Tội phạm mua bán người thường mang tính truy xét, thường chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện nên khi điều tra thì việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội. Có trường hợp xác định được người phạm tội, chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người nhưng vẫn không xác định được người bị hại nên các vụ án thường bị tạm đình chỉ trong thời gian dài”.

Còn nhiều khó khăn cần hợp lực tháo gỡ

Bên cạnh đó, đây là loại tội phạm có yếu tố xuyên quốc gia cần sự phối hợp giữ Việt Nam và các cơ quan hữu quan nước ngoài. Tuy nhiên những đề nghị xác minh trong một thời gian dài lại không nhận được công hàm trả lời. Từ đó, dẫn đến việc giải cứu nạn nhân, xác minh lý lịch bị can, xác minh đối tượng phạm tội truy bắt đối tượng hiệu quả còn thấp. “Hiện nay, theo thống kê còn 10 tố giác về tội phạm mua bán người trong giai đoạn 2016-2021 đang bị tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin do những nguyên nhân kể trên, ảnh hưởng đến tính kịp thời của việc giải quyết các vụ án mua bán người, đảm bảo quyeefn lợi và sự an toàn cho công dân”, ông Long nói.

Ông Phan Hữu Long, Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ tham luận tại Hội nghị

Ông Phan Hữu Long, Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ tham luận tại Hội nghị

Ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ cho biết, trong công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 206-2021, Sở đã phối hợp tiếp nhận 2 nạn nhân bị mua bán trở về. Một trường hợp Sở đã phối hợp đưa về gia đình, thông báo cho địa phương để tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Trường hợp thứ 2, Sở đã phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cùng 2 con nhỏ tạm trú tại “Ngôi nhà Bình Yên”. Đồng thời, hỗ trợ làm giấy chứng minh nhân dân và học nghề tóc.

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, hệ thống chính trị của TP Cần Thơ rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là nguyên nhân chính yếu giúp ngăn ngừa tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người. Đồng thời, công tác tuyên truyền pháp luật cũng được đẩy mạnh, xử lý nghiêm, kịp thời các loại tội phạm và không để xảy ra oan sai trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. “Về giải cứu, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, TP đã có nhiều mô hình hỗ trợ hiệu quả, kịp thời như: Mô hình tổng đài tiếp nhận ý kiến nạn nhân cần trợ giúp, mô hình “Ngôi nhà bình yên”… Các mô hình này mang tính chất điển hình, có thể nhân rộng ra ở các địa phương khác”, ông Khuê nhấn mạnh.

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp khẳng định, tiềm ẩn của tội phạm mua bán người rất lớn

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp khẳng định, tiềm ẩn của tội phạm mua bán người rất lớn

Theo ông Khuê, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Những yếu tố biên giới phát sinh thêm nhiều khó khăn như tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước khác; hợp pháp hóa tài liệu có yếu tố và ngôn ngữ nước ngoài; giải cứu nạn nhân còn nhiều khó khăn, vướng mắc… “Khó có thể xác định cụ thể có bao nhiêu nạn nhân cần giải cứu. Từ đó có thể khẳng định thực trạng tội phạm mua bán người ở TP Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung chưa phản ánh đúng thực trạng. Tiềm ẩn của loại tội phạm này rất lớn”, ông Khuê nói.

Những giải pháp đại biểu đưa ra như: Hỗ trợ nạn nhân, tạo công ăn việc làm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật… là những giải pháp căn cơ giải quyết triệt để tội phạm mua bán người trong thời gian tới. Đoàn khảo sát sẽ ghi nhận đầy đủ thông tin, ý kiến của đại biểu để ngành chức năng kịp thời vào cuộc, góp ý sửa đổi kịp thời quy định luật phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Đọc thêm