Trong thời gian qua, các nhà mạng đang yêu cầu người sử dụng thuê bao di động phải cung cấp bổ sung ảnh cá nhân theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Theo phản ánh của ông Nguyễn Long, quy định này gây khó khăn cho người dân, phát sinh chi phí đi lại, tốn thời gian.
Ông Long cũng không hiểu rõ giá trị, cũng như mục đích sử dụng ảnh của các nhà mạng. Theo ông được biết, ảnh chân dung là một nội dung được thể hiện trên thẻ căn cước công dân, quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi công dân đã xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 18, Luật Căn cước công dân (trong đó có cả ảnh chân dung).
Trên thực tế, khi đăng ký sim điện thoại, ngoài việc xuất trình thẻ căn cước công dân, đại lý giao dịch còn thực hiện cả việc sao chụp đối với căn cước công dân của người dùng. Do đó, Ông Long cho rằng, việc yêu cầu bổ sung hình ảnh chân dung tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP là không cần thiết, trái với quy định tại Luật Căn cước công dân, tạo thêm thủ tục, gánh nặng hành chính cho người dân, gây mất thời gian, lãng phí công sức, cần được xem xét lại.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Long đề nghị xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhằm tránh những phiền hà không đáng có.
Về vấn đề này, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:
Ở nước ta thực tế thời gian qua, đại lý phân phối SIM thuê bao, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, thậm chí sử dụng phần mềm, công nghệ để tạo ra chứng minh nhân dân giả; lấy thông tin trong chứng minh nhân dân thật của nhiều người nhập sẵn vào các SIM thuê bao di động (mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ).
Các SIM thuê bao được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn, được bày bán tràn lan, công khai. Đây chính là một trong những nguồn phát tán tin nhắn rác, tin nhắn nặc danh, quấy rối, lừa đảo, phát tán thông tin độc hại, mạo danh thực hiện các giao dịch phi pháp trên mạng,.. phương hại đến an ninh quốc gia, sự ổn định của xã hội và lợi ích hợp pháp người dân.
Chính vì lý do trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải rà soát, đề nghị các khách hàng có thông tin thuê bao chưa đầy đủ, chưa chính xác đến cập nhật, bổ sung lại thông tin thuê bao (trong đó có ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung). Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ sẽ là bằng chứng xác thực để xác định một giao dịch (giữ người dân và nhân viên nhà mạng) là có thật. Đồng thời việc lưu ảnh chụp có tác dụng hậu kiểm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng kế hoạch, các phương án để người sử dụng có thể cập nhật lại thông tin, trong đó chú trọng giải pháp chăm sóc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người sử dụng dịch vụ đang có thông tin thuê bao chưa đầy đủ, chính xác thực hiện việc cập nhật lại, chính xác hoá thông tin thuê bao theo quy định. Các doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp như: triển khai nhiều điểm lưu động, cử nhân viên trực tiếp đến gặp khách hàng; các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông làm thêm giờ để phục vụ khách hàng đến đăng ký, cập nhật lại thông tin,…
Mục tiêu chính của việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của chính người dân. Vì vậy rất mong người dân hiểu và hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao, vì an ninh quốc gia và quyền lợi của chính bản thân./.