Thuê DN nước ngoài xử lý rác, lợi trước mắt, hại lâu dài?

  Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chôn lấp rác không hợp vệ sinh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập dự án bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh với chi phí hợp lý (khoảng 70 nghìn đồng/tấn rác). Thế nhưng…
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chôn lấp rác không hợp vệ sinh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập dự án bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh với chi phí hợp lý (khoảng 70 nghìn đồng/tấn rác). Thế nhưng…
Dự án nội khả thi
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 800 tấn rác thải sinh hoạt, phần lớn trong số đó được chôn lấp tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Tuy nhiên, việc chôn lấp rác thải sinh hoạt với quy trình không hợp vệ sinh hiện nay cộng với khối lượng chôn lấp hằng ngày tương đối lớn đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa. Để khắc phục, tháng 11/2010, Sở TN&MT Bà Rịa-Vũng Tàu có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh. Dự án được chia làm hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, đơn giá xử lý khoảng 72 nghìn đồng/tấn rác. Tuy là giải pháp tình thế nhưng việc đầu tư một bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.          
Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xác định, giai đoạn 2011 đến 2015, tỉnh lựa chọn quy trình chôn lấp kín, hợp vệ sinh nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, để đến giai đoạn 2016- 2020 sẽ chuyển toàn bộ sang quy trình đốt, kết hợp phát điện và khí thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Bị đình để dùng “đồ ngoại”
Tuy nhiên, trong khi dự án bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh đang được triển khai, theo đúng tiến độ thì năm 2012 sẽ đi vào hoạt động thì lấy với lý do phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động, Sở TN&MT Bà Rịa-Vũng Tàu lại đề xuất giao cho Cty TNHH KBEC Vina (Hàn Quốc) xử lý chôn rác sinh hoạt chung với bãi xử lý rác công nghiệp mà công ty này đã có trước đó tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. 
Vấn đề đặt ra là nếu để Cty KBEC chôn lấp rác sinh hoạt (với đơn giá 14 USD/tấn rác), thì ngay từ năm đầu tiên ngân sách tỉnh đã phải trả gần 86 tỷ đồng; trong khi chi phí cho dự án bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh của Sở TN&MT tỉnh chỉ là 21 tỷ đồng. Nếu tính cả vòng đời dự án là 12 năm (đơn giá xử lý không thay đổi), tỷ giá tăng bình quân hằng năm 5%, lượng rác tăng bình quân 10% thì sau 12 năm ngân sách tỉnh phải chi trả cho Cty TNHH KBEC Vina gần 2600 tỷ đồng. Như vậy, sau 12 năm hoạt động, ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải chi trả thêm cho việc chôn lấp rác hơn 2.000 tỷ đồng. Chưa kể hiệu quả của việc xử lý rác sinh hoạt nói riêng, chất thải nói chung phụ thuộc rất nhiều vào việc phân loại rác. Việc chôn lẫn rác thải rắn công nghiệp với rác sinh hoạt rõ ràng đi ngược xu thế đó, chắc chắn sẽ có những tác động ngoài dự đoán.
Chưa hết, việc để Cty TNHH KBEC Vina chôn rác thải sinh hoạt với rác thải rắn công nghiệp sẽ khiến quy hoạch đã được xác lập của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thay đổi. Việc điều chỉnh quy hoạch cho một mục tiêu xử lý rác sinh hoạt trước mắt sẽ dẫn tới sự manh mún, hỗn độn, ảnh hưởng đến công năng, hiệu quả của cả khu xử lý. 
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thận trọng lựa chọn giải pháp phù hợp để tránh gây tốn kém cho ngân sách địa phương.         
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, số tiền hơn 2.000 tỷ đồng tiết kiệm được nếu tiếp tục triển khai dự án của Sở TN&MT đủ để xây dựng một nhà máy đốt rác công suất lớn. Đây cũng chính là mục tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra khi quy hoạch Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Anh Tuấn - Thiện Ngôn

Đọc thêm