Gần đây trong Đề cương tổng kết các chính sách thu với bất động sản để làm cơ sở sửa Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương đánh giá chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản bao gồm: (i) Các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm Tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất; Tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước; Lệ phí trước bạ); (ii) Các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản (bao gồm Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp)... Điều này là cần thiết, bởi chúng ta đang thất thu thuế nhà, đất quá lớn.
Cần nhắc lại rằng, thuế thu trên tài sản ở nước ta được hình thành từ rất lâu với một số sắc thuế phổ biến như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một sắc thuế mang tên Thuế Tài sản nhằm điều chỉnh các loại tài sản có khả năng chịu thuế trên thực tế. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng pháp luật thuế tài sản là vấn đề rất cần thiết, giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống đầu cơ nhà đất và đảm bảo công bằng xã hội.
Tháng 4/2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của “dư luận”, kế hoạch này đã tạm dừng lại.
Hiện nay, người dân sở hữu nhà ở của nước ta chưa phải chịu thuế tài sản, gây nên sự thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hiện tượng đầu cơ nhà đất, người có nhiều tiền mua nhà đất để “giữ tiền”... rất nhiều.
Thuế Tài sản là loại thuế mang tính ổn định, dễ thu và dễ kiểm tra, giám sát hơn so với các sắc thuế khác nên có khả năng mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách. Mặt khác, khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do, thực hiện những cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nên nguồn thu cho ngân sách cũng sẽ bị ảnh hưởng, nguồn thu từ thuế nhập khẩu của nước ta sẽ giảm nhiều. Vậy nên, các sắc thuế nội địa, trong đó có các sắc thuế liên quan đến tài sản cần được cải cách để bù đắp khoản thu bị giảm sút, đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bảo đảm mối quan hệ hữu cơ trong hệ thống chính sách thuế mới.
Thuế Tài sản, một sắc thuế rất quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước.