Cấm vẫn như không
Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Được biết, hoạt chất 2,4D thường dùng để diệt cỏ chét, cỏ lác; còn Paraquat diệt cỏ trên cạn, trên đồi.
Quyết định này căn cứ trên các bằng chứng khoa học về một số hóa chất thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.
Và để các DN có thời gian giải quyết hết lượng hóa chất nói trên, trong Điều 2 của Quyết định này cho thêm hai năm để các doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ hết. Như vậy, theo đúng lộ trình, thì sau ngày 8/2/2019, việc kinh doanh loại thuốc trừ cỏ có hai hoạt chất trên là bị cấm.
Thế nhưng vào đầu tháng 9/2019, “mục sở thị” một số đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, PV vẫn dễ dàng bắt gặp các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV chứa 2,4D và Paraquat.
Ông Lê Ánh (63 tuổi, ngụ phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) người đã có hơn 40 năm trồng lúa, cho hay: “Mới đây, khi tôi đi mua thuốc Nimaxon 20SL (có chứa Paraquat - PV) ở làng bên, cửa hàng nói đây là hàng cấm nhưng họ vẫn có và bán với giá cao hơn trước.
Năm 2017, tôi mua 10 nghìn/1 chai, sau đó cứ tăng dần, đến giờ giá đã gấp đôi. Hiện chưa có bất cứ loại thuốc BVTV nào có thể diệt cỏ hiệu quả như 2,4D và Paraquat, khi nào thuốc đó không có trên thị trường thì nông dân chúng tôi mới không dùng nữa”.
PV tìm đến một cửa hàng ở Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) hỏi mua thuốc chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat. Chủ đại lý này tỏ ra cảnh giác, ngập ngừng, rồi bảo các loại thuốc này “đã hết”. Sau đó, PV nhờ một nông dân “mối ruột” của đại lý này đến hỏi mua, liền được chủ đại lý mang thuốc ra bán.
Ở đây, người bán đã bán cho khách chai thuốc có chứa hoạt chất Paraquat có in đậm số 08-01-2018 và HSD: 2 năm, trên nhãn thuốc có ghi rõ chỉ lưu thông và sử dụng sản phẩm trước ngày 8/2/2019 theo quy định 278/QĐ-BNN-BVTV. PV đem thắc mắc này hỏi số 08-01-2018 có ý nghĩa gì? Người bán nói ngày sản xuất.
PV hỏi tiếp, thuốc này tại sao lại sản xuất sau Quyết định 278 được? Người này liền gật đầu: “Nói chung, tôi không biết, có nguồn cung thì tôi bán thôi. Thuốc thật hay giả, kém chất lượng hay không, nguồn gốc thế nào thì khó biết…”.
Các loại thuốc này không chỉ bán ở các đại lý, cửa hàng lớn mà còn bán nhỏ lẻ tại một số hộ dân trong thôn. Một bà vừa bán tạp hóa, vừa bán thuốc bảo vệ thực vật ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cho biết, loại thuốc bị cấm này “diệt cỏ rất tốt, phun buổi sáng thì buổi trưa cỏ chết liền”. “Thuốc này rất độc hại nên Nhà nước mới cấm. Đầu năm, tôi còn 70 chai, giờ chỉ còn hai chai”.
Khó xử lý
Vì sao người bán thuốc, nông dân đã biết các loại hoạt chất độc hại, chất cấm trong thuốc BVTV nhưng vẫn cố tình mua bán, sử dụng?
Ông Nguyễn Văn Quang (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền) cho rằng, số lượng cán bộ BVTV của đơn vị quá mỏng, chỉ một vài người, không đủ khả năng theo dõi, nắm bắt, xử lý người dân sử dụng các thuốc BVTV bị cấm với diện tích sản xuất toàn huyện đến 5.000 - 6.000 ha/vụ. Đây cũng là bất cập và thực trạng chung tại các địa phương toàn tỉnh.
Lực lượng chức năng Thừa Thiên - Huế kiểm tra một cơ sở bán thuốc BVTV |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế; mức độc hại của các thuốc trừ cỏ có chứa hai hoạt chất 2,4D và Paraquat đã được cảnh báo từ lâu.
Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước, kết luận hoạt chất 2,4D có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người, như đau và hỏng mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu, tăng nguy cơ ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.
Còn hoạt chất Paraquat có khả gây ảnh hưởng đến chức năng phổi, thận, tim; bị phơi nhiễm trực tiếp qua đường da, đường hô hấp trên, hay đường miệng có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong mà không có thuốc giải độc.
Ông Hồ Đắc Thọ (Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), nói: “Chúng tôi biết trên thị trường vẫn còn tồn tại thuốc BVTV có chứa hai hoạt chất chất 2,4D và Paraquat nên phía thanh tra của Chi cục thường xuyên đi kiểm tra, sẽ phạt tại chỗ nếu phát hiện vi phạm (ít nhất 1 triệu/1 vụ).
Thế nhưng, toàn Chi cục chỉ có 18 người, thanh tra chỉ hai người mà đi khắp tỉnh với 278 cơ sở kinh doanh và rất nhiều hộ bán buôn là khó. Lực lượng mỏng đã đành, việc thanh tra cũng gặp khó; trước lúc anh em đi phải báo cho chính quyền địa phương cũng như chủ cơ sở. Ngoài ra, theo quy định 1 năm chỉ được 1 lần thanh tra ở cơ sở đó mà thôi.
Làm như thế sao bắt được vi phạm. Còn ở các cơ sở lớn, phải thanh tra liên ngành, phối hợp giữa Chi cục, công an, thị trường, sở nông nghiệp. Đây chính là một trong những hạn chế, tạo kẽ hở cho các đại lý, cơ sở kinh doanh thuốc BVTV vi phạm”.
Ông Thọ nói thêm, chính quyền địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm, chưa thật sự quyết liệt trong công tác quản lý, giám sát: “Để đạt hiệu quả, địa phương phải có trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý triệt để các hộ kinh doanh, người sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất cấm. Địa phương cũng phải thống kê đầy đủ các hộ buôn bán nhỏ lẻ để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Chi cục đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn dài hơi”.
Hoạt chất Paraquat bị xếp vào nhóm rất độc để lại hậu quả lâu dài cho môi trường và đã bị cấm sử dụng ở trên 30 quốc gia. Tại Việt Nam, thuốc trừ cỏ Paraquat được đăng ký sử dụng trong BVTV từ năm 1993.