Lô đất có tổng diện tích 1.913,1m2 thuộc thửa số 99, 99a, một phần thửa 101, tờ bản đồ số 6 tọa lạc tại ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có nguồn gốc sở hữu hợp pháp của ông Lê Hồng Châu (ở số 80, đường số 8, quận 9, TP.Hồ Chí Minh).
Ông Châu được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và giấy phép xây dựng các công trình trên đất. Năm 1993, ông Châu chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất và các thủ tục xây dựng cho bà Trần Thị Lạc (ở số 185, đường 3/2, quận 10, TP.Hồ Chí Minh) với giá 50 cây vàng. Ông Châu đã nhận đủ vàng và giao đất cùng toàn bộ hồ sơ của lô đất cho bà Lạc.
Đến ngày 19/7/2004, bà Lạc đã được cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ với diện tích 900m2 theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Bà Trần Thị Lạc. |
Số diện tích còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ là do ông Châu đã kê khai đăng ký từ năm 1995, nay ông Châu và chủ đất trước chuyển nhượng cho ông Châu đều không có ý kiến thắc mắc gì, hơn nữa, toàn bộ diện tích đất, trước khi chuyển nhượng cho bà Lạc đã có tường xây bao quanh, không có sự tranh chấp nào, vì vậy có căn cứ khẳng định: Ông Châu đã chuyển nhượng cho bà Lạc toàn bộ tổng diện tích đất là 1.913,1m2!
Thương người thì khó đến thân
Sau khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý của lô đất, bà Lạc tiến hành xây dựng nhà, xưởng và một số công trình phụ. Năm 1996, bà Lạc thành lập Công ty TNHH Ninh Sơn (chế biến hạt điều) và để con gái là Dương Bảo Vân đứng tên đăng ký kinh doanh.
Tháng 12/1997, Bảo Vân đi du học nước ngoài nên cở sở kinh doanh này tạm ngưng hoạt động. Sau đó, bà Lạc cho bà Nguyễn Thị Hồng (ở số 5 đường Đặng Trần Côn, quận 1 TP.Hồ Chí Minh) thuê lại (không làm hợp đồng) để bà Hồng đầu tư máy móc thiết bị kinh doanh hạt điều.
Tuy nhiên, chỉ khoảng một tháng sau, bà Hồng không kinh doanh mà sang bán toán bộ máy móc cho ông Phạm Đức Minh và cô Thủy (là em gái và em rể bà Lạc) mà không thông báo cho bà Lạc biết.
Tiếp đó, vợ chồng Minh, Thủy đứng ra kinh doanh cơ sở này và đề nghị bà Lạc cung cấp hạt điều để Minh, Thủy làm gia công. Thời gian này, bà Lạc đại diện Công ty TNHH Ninh Sơn ký hợp đồng (mang tính thủ tục) cho cơ sở ông Minh gia công hạt điều, nhưng cũng chỉ hoạt động được khoảng một tháng thì cơ sở này cũng ngưng hoạt động do ông Minh làm thất thoát hàng hóa. Và kể từ đó trở đi, ông Minh ngang nhiên chiếm giữ toàn bộ nhà xưởng và đất đai của bà Lạc.
Vụ tranh chấp được đưa ra chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết, nhiều lần hòa giải nhưng bất thành. Bà Lạc khởi kiện vụ việc đến TAND huyện Dĩ An (Bình Dương), yêu cầu Tòa xét xử, tuyên buộc ông Minh phải trả lại toàn bộ diện tích 1.913,1m2 đất và nhà, xưởng cho bà.
Tranh luận công khai trước tòa, bị đơn và người đại diện của ông Phạm Đức Minh nại rằng: Bà Lạc là chị vợ ông Minh, năm 1990 giữa ông Minh và bà Lạc có làm ăn chung với nhau. Năm 1993, ông Minh có nhờ bà Lạc mua diện tích 900 m2 đất của ông Châu (là diện tích đất ông Châu đã chuyển nhượng hợp pháp cho bà Lạc) giá 30 lượng vàng, ông Minh đưa vàng cho bà Lạc trả cho ông Châu; Năm 1994, ông Minh tiếp tục nhờ bà Lạc chuyển nhượng diện tích đất còn lại của ông Châu với giá 10 lượng vàng, số vàng này cũng là của ông Minh đưa cho bà Lạc trả cho ông Châu...?.
Quá trình xác minh, thẩm tra, ông Minh không đưa ra được bất cứ giấy tờ pháp lý, nhân chứng, vật chứng nào chứng minh lời khai của mình là có cơ sở, vì vậy không được HĐXX chấp nhận. Ngược lại, có đầy đủ cơ sở pháp lý, nhân chứng, vật chứng chứng minh toàn bộ điện tích đất, nhà xưởng thuộc sở hữu hợp pháp của Trần Thị Lạc.
Án tuyên lấp lửng
Từ các căn cứ trên, Bản án số 13/2010/DSST ngày 19/3/2010 của TAND huyện Dĩ An mặc dù đã tuyên: Buộc bị đơn Phạm Đức Minh phải trả lại cho bà Trần Thị Lạc diện tích đất (theo đo đạc thực tế) là 1.913,1m2 ( trong đó có 1,3m2 hành lang bảo vệ đường bộ), thế nhưng Tòa lại “ngoắc” thêm một số chi tiết “trời ơi”, rất khó hiểu: Buộc bà Lạc phải thanh toán cho ông Minh số tiền 479.505.000 đồng vì Tòa cho rằng ông Minh bỏ tiền ra xây dựng một loạt nhà, xưởng, văn phòng trên diện tích 1.35,2m2 đất và ra điều kiện bà Lạc chỉ nhận được quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên khi đã thanh toán đủ cho ông Minh.
Một điều hết sức nghịch lý ở chỗ: Toàn bộ diện tích đất hiện có của bà Lạc là 1.913,1m2 trước đó đã được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng cho ông Châu và đã được chuyển nhượng cho bà Lạc, chính bà Lạc là người xây dựng bằng kinh phí của mình.
Ông Minh chỉ là người em rể, từ phía Bắc vào được bà Lạc vì thương em gái nên đã cưu mang, cho tá túc để làm việc kiếm sống nuôi vợ con, vậy thì tiền ở đâu ông Minh bỏ ra xây dựng toàn bộ nhà, xưởng, văn phòng với số tiền lớn này?.
Hơn nữa tất cả các công trình mà Tòa cho rằng ông Minh xây dựng nhưng lại không có bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh ông Minh xây dựng hợp pháp trên tổng cộng lên đến 1.354,2m2, trong khi không có cơ quan nào cấp phép xây dựng cho ông Minh (xây dựng trái phép) vậy mà Tòa lại... công nhận mới lạ?
Sự bất nhất của một cấp Tòa
Bản án sơ thẩm lần thứ nhất của TAND huyện Dĩ An đã bị bà Lạc kháng cáo và bản án này cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận. Ngày 30/6/2011, TAND huyện Dĩ An lại ban hành Bản án số 43/2011/DS-ST tuyên: Buộc ông Phạm Đức Minh trả lại cho bà Trần Thị Lạc quyền sử dụng 900m2 đất; tạm giao diện tích 1.013,1m2 tại khu đất nêu trên cho bà Trần Thị Lạc quản lý; bà Lạc được quyền sở hữu các tài sản gồm: các nhà xưởng, văn phòng...
Nhưng lần này Tòa vẫn buộc bà Lạc phải thanh toán cho ông Minh 97.013.000 đồng (bản án trước là nửa tỷ đồng). Bà Trần Thị Lạc tiếp tục kháng cáo.
Ngày 12/12/2011, TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm và đã tuyên: Chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Lạc và áp dụng Khoản 3 Điều 275, Điều 277 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Pháp lệnh ngày 27/02/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tuyên: Hủy bản án sơ thẩm số 43/2011/DS-ST của TAND huyện Dĩ An để điều tra, xét xử lại theo quy định của pháp luật.
Nguyên đơn Trần Thị Lạc cho biết, về góc độ tình nghĩa với em gái, bà có thể tự nguyện hỗ trợ cho vợ chồng Minh, Thủy một khoản kinh phí nào đó chứ bà không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào buộc bà phải thanh toán cho ông Minh những khoản tiền vô căn cứ.
Bà Lạc, cũng như quan điểm của các Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Lạc, chỉ yêu cầu Tòa án các cấp cần nhìn thẳng vào bản chất của vụ việc để tuyên buộc ông Minh phải giao trả lại toàn bộ tài sản hợp pháp của bà mà ông Minh đang tìm mọi cách để chiếm giữ trái phép.
Thiện Ngôn