Thấy hoàn cảnh ông Nguyễn Đình Trí cùng thôn quá khó khăn nên anh em gia đình cụ Võ Thị Tư, Võ Quang Hồ (thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) đã cho ông Trí ở nhờ. Không ngờ sau nhiều năm được ở miễn phí, ông Trí đã biến mảnh đất ở nhờ thành đất của mình.
Bà Võ Thị Mỹ Lộc, đại diện gia đình cụ Võ Quang Hồ bên lô đất cho ở nhờ |
Cho đất cũng khổ
Mặc dù tại phiên sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế và phiên phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là do ông Võ Quang Đạm (cha của cụ Võ Quang Hồ) tạo lập. Sau khi ông Đạm chết, gia đình cụ đã giao cho cụ Võ Thị Hảo, cụ Võ Thị Tư quản lý, sử dụng.
Năm 1984, cụ Hảo đăng ký kê khai và đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật thửa số 646, tờ bản đồ số 3, diện tích 1242 m2. Đến năm 1992, cụ Tư tiếp tục đăng ký sử dụng đất với thửa 691, tờ bản đồ số 3, diện tích 1.242 m2.
Năm 1984, cụ Tư đồng ý cho ông Nguyễn Đình Trí cất nhà tạm ở nhờ trên đất của gia đình, ông Trí cam kết khi gia đình cụ Tư yêu cầu thì ông sẽ trả lại. Năm 1996, gia đình ông Trí xây nhà kiên cố trên đất mà không xin phép gia đình cụ. Từ năm 2003, gia đình cụ đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Phú Thượng giải quyết, nhưng hai bên không thỏa thuận được, nên cụ khởi kiện ra tòa án buộc ông Trí trả lại đất mà gia đình cụ cho ông Trí ở nhờ.
Trong khi đó, ông Trí cho rằng, sau khi ông Đạm chết, cụ Võ Thị Hảo, cụ Võ Thị Tư, cụ Võ Quang Duy và cụ Võ Quang Hồ đã cho ông thửa đất nêu trên. Từ năm 1985, ông đã làm nhà ở ổn định và canh tác trên thửa đất này cho đến nay nên không trả lại đất. Tại cả 2 phiên tòa, ông Trí đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh việc cụ Hảo, cụ Tư, cụ Hồ cho ông đất.
Tại biên bản xác minh ngày 15/5/2007, cán bộ địa chính xã Phú Thượng xác nhận: Thực tế, những người thừa kế của ông Đạm vẫn thực hiện quyền quản lý di sản thừa kế của mình bằng việc đứng tên kê khai đất qua các thời kì thực hiện chính sách quản lý đất đai của nhà nước. Trong khi ông Trí không đăng kí kê khai, thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Do đó, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định diện tích đất trên là tài sản thừa kế của ông Đạm là có căn cứ và gia đình cụ Võ Quang Hồ tự nguyện cho gia đình ông Trí được sử dụng hơn 270m2 phần đất có ngôi nhà ông Trí; Còn lại là của gia đình cụ Võ Quang Hồ… Nhưng khi gia đình cụ Võ Quang Hồ đã cho hơn 270m2 đất để ở, nhưng ông Trí không dừng tại đó, tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn đòi hơn 1.200m2 đất của gia đình ông Võ Quang Hồ, Võ Thị Tư.
Phớt lờ chỉ đạo
Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TANDTC tại Đà Nẵng với lý do tòa án các cấp chưa xác minh làm rõ một số vấn đề trong vụ án (diện tích đất 113m2 dư so với giấy tờ về đất đai) nên quyết định là chưa đủ căn cứ.
Điều đáng nói, đích thân Chánh án TANDTC đã đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử Giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm của TANDTC tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế, giao vụ án cho TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế xét xử lại sơ thẩm. Thế nhưng, kể từ khi Chánh án TANDTC có quyết định kháng nghị đến nay đã hơn 1 năm, gia đình cụ Võ Quang Hồ không nhận bất kì một quyết định, thông báo nào của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc xét xử giám đốc thẩm theo chỉ đạo.
Luật sư Lê Thị Trà My, Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết: “Theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: Trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để giám đốc thẩm vụ án nhưng thời hạn quá đã lâu nhưng không hiểu vì lý do gì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vẫn chưa có quyết định xét xử giám đốc thẩm”.
Theo bà Trà My: “Theo điều 303 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho đương sự và những người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quyết định giám đốc thẩm”.
Trong khi đang chờ xét xử giám đốc thẩm, phía gia đình ông Trí đã rao bán đất với giá 4 triệu đồng/m2 trên đất tranh chấp gây hoang mang cho gia đình cụ Võ Quang Hồ, Võ Thị Tư. Chính vì sự thờ ơ, thiếu quan tâm sâu sát, cộng với phớt lờ chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao nên đến nay vụ việc vẫn chưa được xét xử giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan trong vụ án.
Quang Phương