Trước đó, Dự luật đã được Hạ viện thông qua và dấy lên những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi. Ngày 11/11, khi Dự luật được trình lên Thượng viện, hàng chục nghìn người đã tiếp tục xuống đường biểu tình ở thủ đô Bangkok.
Với 141 phiếu chống, đêm cùng ngày, Thượng viện Thái Lan đã bác bỏ với Dự luật Ân xá chính trị gây tranh cãi. “Thượng viện đã từ chối đưa dự luật này ra xem xét” - Phó Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Surachai Lengboonlertcha cho biết sau buổi bỏ phiếu.
Dự luật nói trên được Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền đệ trình và có thể áp dụng đối với các tội danh trong cuộc hỗn loạn chính trị xảy ra sau cuộc đảo chính tại Thái Lan, lật đổ ông Thaksin hồi năm 2006.
Chính phủ của bà Yingluck lập luận rằng Dự luật nói trên là một bước đi cần thiết để hướng tới hòa giải sau nhiều năm bất ổn về chính trị.
Tuy nhiên, các bên chỉ trích nói rằng Dự luật này sẽ tạo điều kiện cho việc vi phạm nhân quyền, ví dụ như việc giết hại người biểu tình nhưng lại không bị trừng phạt.
Đảng Dân chủ đối lập chính cũng cho rằng mục đích của Dự luật này là để cho phép ông Thaksin trở về Thái Lan mà không bị phạt tù.