Thương vụ Việt Nam nối dài 'Biên giới mềm' Quốc gia - Bài 2: 'Phao cứu sinh' của doanh nghiệp

(PLVN) - Không chỉ mở đường để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, Thương vụ của ta ở nước ngoài còn là địa chỉ để doanh nghiệp trong nước được tư vấn hỗ trợ, thậm chí là nơi để doanh nghiệp“bấu víu” mỗi khi gặp những tình huống bất trắc, rủi ro trong các hoạt động ngoại thương.
Bà Dương Phương Thảo - Tham tán thương mại tại Italia trong một hoạt động “tiếp sức” cho hàng Việt ở nước ngoài.

Thiết kế cơ hội giao thương

Hai năm liên tiếp, Bộ Công Thương tổ chức sự kiện “VietNam International Sourcing” với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn phân phối lớn nhất thế giới. Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - châu Âu (Bộ Công Thương) - ông Tạ Hoàng Linh nói, đây là sự kiện lớn với sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Qua đó, hàng trăm đoàn thu mua của những hệ thống phân phối lớn nhất thế giới đã đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng, tìm đối tác. Đây đều là những “ông lớn” chi phối thị trường tại các quốc gia mà họ có mặt. Vào được các hệ thống lớn này đồng nghĩa với việc tiếp cận được đến tận những người tiêu dùng bản địa.

Để làm được điều này, hệ thống các cơ quan Thương vụ của Việt Nam đã có cả quá trình tìm hiểu và những cuộc tiếp xúc, mời chào rất trân trọng. Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh khẳng định, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc vận động, kêu gọi các nhà nhập khẩu, kênh phân phối và doanh nghiệp thu mua quốc tế tham dự sự kiện “VietNam International Sourcing” cũng như mở ra những con đường rộng hơn cho hàng Việt “bay xa”.

Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Linh, các doanh nghiệp quốc tế được hệ thống Thương vụ trực tiếp đưa về Việt Nam đều là các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng ở Việt Nam một cách thực sự. Cụ thể, rất nhiều nhân sự tham dự sự kiện kết nối này là những người có thẩm quyền hoặc có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn nguồn hàng (đặc biệt là những hệ thống phân phối quốc tế). Điều đó giúp doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn được nhiều khâu trung gian cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí trong tiếp thị.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tham dự Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ.

Trao đổi với PLVN, ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp cho hay, để tiếp cận được với phân khúc cuối cùng của thị trường bán lẻ ở một quốc gia châu Âu, ngoài việc nỗ lực tự thân của doanh nghiệp thì Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại, với những hiểu biết sâu sắc về đặc thù của thị trường, phương thức vận hành của hệ thống bản lẻ và những kế hoạch hành động dài hạn, tổng thể do Thương vụ kết hợp xây dựng với đối tác… sẽ như những “cánh tay nối dài”, giữ vai trò then chốt trong việc hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam tới các đại siêu thị trên thế giới.

“Đóng thế” doanh nghiệp lúc nguy nan…

Bên cạnh việc “lót đường” cho hàng Việt vươn xa, hệ thống Thương vụ của ta còn phải ra tay trong nhiều vụ việc mà doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ trở thành “nạn nhân” chịu thiệt hại trong các giao dịch quốc tế.

Ngoại giao các nước nể Thương vụ vì vụ “giải cứu” các container điều ở Italia

Theo Tham tán thương mại Dương Phương Thảo, thành công lấy lại được toàn bộ số lượng hàng là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành. Đầu tiên, đó là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cuộc điện đàm của Thủ tướng với Thủ tướng Italia Mario Draghi. Nhờ cuộc điện đàm này mà truyền thông Italia biết đến sự việc. Sau đó, các cơ quan chức năng của Italia, các cơ quan ngoại giao của các nước tại Italia đã đánh giá cao cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Italia nói chung và Thương vụ Việt Nam tại Italia nói riêng.

Nhắc lại vụ việc doanh nghiệp trong nước đối mặt nguy cơ mất trắng 100 container hạt điều xuất sang Italia 2 năm trước, bà Dương Phương Thảo - Tham tán thương mại tại Italia cho biết, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, nhờ những nỗ lực hết mình và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan tại Việt Nam và Italia, vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia, qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt, đã được xử lý rất thành công.

“Lấy lại được toàn bộ số lượng hàng là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành. Đầu tiên, đó là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, rồi cuộc điện đàm của Thủ tướng với Thủ tướng Italia Mario Draghi. Nhờ cuộc điện đàm này mà truyền thông ở Italia biết đến sự việc nói trên”, Tham tán thương mại Dương Phương Thảo nhớ lại.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng kịp thời có Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italia đề nghị phía bạn quan tâm, chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Tiếp theo, Đại sứ quán Việt Nam, cụ thể là Thương vụ Việt Nam tại Italia đã nhanh chóng vào cuộc. Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã huy động mọi nguồn lực, từ trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan của Italia như các hãng vận chuyển, Cảnh sát kinh tế tài chính, chính quyền các cảng hỗ trợ Công ty Luật Gallasso & Associati lập hồ sơ khởi kiện tại các tòa dân sự, hình sự tại các địa phương. Đồng thời đánh động toàn bộ hệ thống cảng và ngân hàng của Italia về vụ việc này.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, thắng lợi lớn khi giải quyết vụ việc này đó là sau khi phát hiện những dấu hiệu lừa đảo đối với những container hàng đầu tiên được gửi sang Italia, các doanh nghiệp Việt Nam đã dừng ngay việc giao hàng, giữ lại được 26 container. Một số container hạt điều còn chứng từ gốc đã được bán lại ở Italia, tái xuất khẩu hoặc đưa về Việt Nam. Cuối cùng, các công ty Việt Nam chỉ bị mất kiểm soát 35 bộ chứng từ gốc.

Mất cả tháng để hồi âm… mấy dòng thư

“Chỉ một email với vài dòng chữ từ quê nhà gửi qua, có khi Thương vụ của ta phải mất tới cả tuần, thậm chí là cả tháng trời mới tìm hiểu xong thông tin để có cơ sở hồi âm cho các yêu cầu của doanh nghiệp trong nước”, ông Lê An Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương, nguyên Tham tán thương mại tại Hàn Quốc.

Đáng nói, sau khoảng 2 tuần kể từ khi xảy ra sự việc, toàn bộ 35/35 container bị mất chứng từ gốc đều đã an toàn nằm trong các cảng của Italia. Nhờ sự vào cuộc của Thương vụ tại Italia cùng với sự hỗ trợ chuyên ngành của Công ty luật Gallasso & Associati, Cảnh sát Italia đã ra lệnh phong tỏa các container hàng hóa này, không cho ai được phép lấy hàng ra cho dù có bộ chứng từ gốc trong tay. Khi nào có sự phán quyết của tòa án, các container này mới được “giải phóng”.

Trong khoảng thời gian đó, các công ty Việt Nam đã nộp đơn kiện ra các tòa dân sự và tòa hình sự Italia tại các địa phương mà 5 công ty nhập khẩu của Italia đăng ký kinh doanh. Sau đó là khoảng thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam chứng minh là hàng của mình và giành lại quyền sở hữu hàng hóa.

Được biết, sau thành công trong việc thu hồi toàn bộ các container hạt điều tại cảng ở Italia, các cơ quan chức năng của Italia, các cơ quan ngoại giao của các nước tại Italia đã đánh giá rất cao cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Italia nói chung, Thương vụ Việt Nam tại Italia nói riêng vì đã kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn được âm mưu lừa đảo.

“Cho đến nay, chỉ Việt Nam mới giành thắng lợi thu hồi được toàn bộ các container hàng bị lừa đảo”, Tham tán thương mại Dương Phương Thảo nói. Và điều đó đã khẳng định được vai trò của đội ngũ những người làm công tác ngoại giao kinh tế dù là ở địa bàn thuận lợi hay lúc đối mặt với những tình huống khó khăn. Sự nỗ lực của họ không chỉ là “đòn bẩy” giúp hàng hóa Việt Nam dễ thâm nhập vào thị trường nước sở tại mà đôi khi tác nghiệp của họ lại như những “chiếc phao cứu sinh” đối với doanh nghiệp trong tình huống bất trắc, rủi ro...

Ông Lê An Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Công Thương, người từng có 2 nhiệm kỳ làm Tham tán thương mại tại Hàn Quốc - chia sẻ với PLVN rằng, nhiệm kỳ công tác của ông ở quốc gia Đông Bắc Á này là giai đoạn đầu sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, công việc của ông ở thị trường Hàn Quốc khá thuận lợi do mối quan hệ thân thiết giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước.

Tuy nhiên, ông Hải cũng đã từng phải “đóng thế” một doanh nghiệp Việt khi đứng đơn để kiện một doanh nghiệp địa phương ở Hàn Quốc. Thời gian dành cho công việc này rất nhiều, đi lại cũng nhiều nhưng ông Hải vẫn bỏ tiền ra đi làm vì đó là trách nhiệm của Thương vụ. Ngay cả việc giúp doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc xử lý tranh chấp với doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ cũng thực hiện, dù đó không phải là nhiệm vụ. “Nhưng đó là cách để bảo vệ uy tín cho Việt Nam và chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình dù nguồn kinh phí để thực hiện những công việc như thế còn có hạn”, ông Hải chia sẻ.

Thực tế, một email với vài dòng chữ từ quê nhà gửi qua đề nghị hỗ trợ, có khi Thương vụ phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới tìm hiểu được thông tin để hồi âm các yêu cầu của doanh nghiệp trong nước. Nhưng dù có mất thời gian, tất cả các Tham tán thương mại của ta ở nước ngoài đều thực hiện với mong muốn mang lại những lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bởi họ luôn hiểu rằng, Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là địa chỉ duy nhất mà doanh nghiệp có thể được tư vấn, hỗ trợ và kết nối thương mại quốc tế.

(Còn tiếp)

Đọc thêm