Thủy điện sông Tranh 2 có 2 vết nứt ở khe giãn nở

Chiều nay, đoàn chuyên gia của Bộ Xây dựng vào kiểm tra, quan sát thực tế tại đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 và khẳng định có 2 vết nứt của khe giãn nở làm thấm nước qua thân đập.  

[links()] Chiều nay, đoàn chuyên gia của Bộ Xây dựng vào kiểm tra, quan sát thực tế tại đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 và khẳng định có 2 vết nứt của khe giãn nở làm thấm nước qua thân đập.

Cũng trong chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải và ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện 3 và đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào làm việc vụ việc xảy ra của Thủy điện Sông Tranh 2. 
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Đức Hải yêu cầu phải giải quyết rõ ràng vấn đề này để an dân.  
Tiến sĩ Bùi Trung Dung khẳng định có 2 vết nứt ở khe giãn nở số 12 và số 7.

“Lãnh đạo tỉnh hết sức lo lắng về vấn đề này. Tỉnh không thể đứng ra trả lời vấn đề cho nhân dân yên tâm được mà phải cơ quan cấp cao của Trung ương. Chúng ta không thể giải thích theo cảm tính, đề nghị chủ đầu tư phải công khai họp báo khi có kết luận chính thức của hội đồng vào làm việc hôm nay, vì đây là vấn đề cấp thiết. 

Công trình có sai sót trong thi công, có sai sót trong thiết kế mới chảy nước ra, chứ không thể nói là nằm trong sự cho phép được. Sớm có biện pháp giải quyết một cách căn cơ để xác định rõ nguyên nhân cho đập và cho công trình”, ông Hải đề nghị.
EVN thừa nhận: “Hiện tượng nước chảy từ thân đập ra phía hạ lưu là nước thấm tại 4 vị trí khe nhiệt K18, K21, K24, K28 và hai bên tường cánh của đập tràn. Không phát hiện có vết nứt nào trên thân đập. Nguyên nhân là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập và theo các ỗng dẫn ra hạ lưu”. 
EVN đưa ra hai bước khắc phục sự cố này như sau: Trước mắt, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước thấm theo thiết kế đã được phê duyệt, tiến hành ngay việc thông toàn bộ các ống thu nước trong thân đập bị tắc trong quá trình thi công và thời gian vận hành vừa qua, nếu ống nào không thông tắc được thì khoan bổ sung ngay; hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trong hành lang thân đập để tăng khả năng thoát nước thấm và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thấm bên ngoài hai vai đập. 
Sau khi thực hiện các bước nêu trên, nếu nước thấm ra hạ lưu không giảm, EVN sẽ xem xét phương án xử lý chống thấm bổ sung để đảm bảo điều kiện chống thấm tốt nhất cho công trình. 
Cận cảnh vết nứt được trám lại bằng hóa chất vẫn còn chảy nước xối xả, sáng 21/3.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Mấy ngày gần đây các vết nứt trên “khe nhiệt” này hở ra rất nhiều và hiện nay trám lại các khe nhiệt đó là giải pháp tạm thời. Trước đó, tôi đi lên kiểm tra đút lọt ngón tay vào khe nhiệt bị chảy nước này nên chúng tôi có nhiều cơ sở để lo lắng”. 

Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng), cho biết: “Sau khi đi khảo sát, kiểm tra, chúng tôi có đưa ra một số nhận định ban đầu. Đập vẫn đang vận hành an toàn đúng như thiết kế. Để nước thấm ra ngoài thân đập đúng là gây phản cảm, yêu cầu Thủy điện Sông Tranh 2 phải nhanh chóng đưa nước về. 
Lượng nước 30 lít/1 giây thấm ra ngoài là lớn chứ không nhỏ như EVN cho là bình thường được. Chúng tôi khuyến cáo không nên bơm hóa chất vào nữa mà nên đưa xi măng hoặc nhựa đường vào các điểm thấm nước này để đảm bảo an toàn cho công trình lâu dài”. 
Tiến sĩ Dung cho biết thêm: “Hiện có hai khe giãn nở ở số 12 và khe giãn nở ở số 7 có vết nứt nhưng vài mm không đáng kể. Đây là vết nứt bình thường. Không cần thiết hạ mực nước trong lòng hồ xuống để khắc phục các sự cố kỹ thuật này. 
Qua sự việc này, các bên liên quan như chủ đầu tư và đơn vị thi công đã chậm xử lý các lỗi kỹ thuật như báo chí phản ánh nên gây bức xúc cho dư luận. Đây là khuyết điểm của các bên liên quan cần phải nhanh chóng khắc phục”.
Thiên Thanh

Đọc thêm